Bệnh nhân nữ sinh năm 1990 trú tại Đồng Tháp. Ngày 19/04/2022, bệnh nhân tới khám tại Phòng khám bệnh chuyên khoa Ký sinh trùng vì ngứa vùng miệng, vùng mặt nhiều. Bệnh xuất hiện hơn 1 tháng nay, bệnh nhân đã tự mua thuốc tại tiệm thuốc gần nhà để uống nhưng không đỡ. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện vùng phía ngoài môi, miệng có nhiều tổn thương dạng vảy màu vàng và phía trong khoang miệng có nhiều tổn thương dạng vết loét màu trắng trên niêm mạc, … rất đặc trưng của nấm, ngoài ra bệnh nhân ngứa rất nhiều vùng da mặt, trên da có nhiều vết gãi xước, trầy trợt. Xét nghiệm và soi nấm ở các vị trí tổn thương kết quả thấy nhiễm nấm sợi có vách ngăn, nấm men ở các tổn thương vùng miệng, đồng thời trên da mặt thấy có 42 con demodex/lam. Bác sĩ đã kê toa thuốc uống và bôi vùng mặt, hẹn tái khám sau 1 tháng.
Sau 1 tháng, bệnh nhân tái khám, các tổn thương phía trong khoang miệng đã lành hẳn, phía ngoài khoang miệng chỉ nổi một vài mụn nước nhỏ, bệnh nhân hết ngứa. Kết quả kiểm tra cho thấy không còn phát hiện nấm sợi, nấm men trên vùng tổn thương cũ, soi demodex chỉ còn 23 con/lam. Tình trạng tiến triển của bệnh nhân tốt, bác sĩ tiếp tục kê toa thuốc điều trị demodex và thuốc bôi vùng môi, hẹn tái khám lần 2 sau 1 tháng.
Hình 1. Tổn thương phía ngoài và phía trong vùng miệng do nấm (ngày 19/04/2022)
Hình 2. Tổn thương phía ngoài và phía trong miệng đã lành hẳn sau khi điều trị (ngày 30/05/2022)
Nấm miệng là một tình trạng mà trong đó các loại nấm Candida albicans tích tụ trên niêm mạc miệng. Ở đây, bệnh nhân còn có nhiễm nấm sợi có vách ngăn ở phía bên ngoài vùng miệng kết hợp nhiễm ký sinh trùng demodex trên da mặt. Hiện tại chưa tìm thấy yếu tố liên quan tới tình trạng nhiễm đa ký sinh này, tuy nhiên, nếu không được điều trị triệt để sẽ có thể dẫn tới vòng xoắn bệnh lý lặp đi lặp lại. Vì vậy, bệnh nhân cần tới phòng khám chuyên khoa để được khám, kê đơn và theo dõi kĩ càng.
BS. Nguyễn Thảo Phương