Cuộc sống ngày một phát triển hơn, các món ăn đặc sản của thế giới cũng được du nhập vào Việt Nam ngày một nhiều. Tuy nhiên, có không ít món ăn tiềm ẩn nguy cơ gây nhiễm ký sinh trùng. Hãy cùng điểm qua một vài món ăn nổi tiếng của các nước có thể là nguồn lây bệnh ký sinh trùng cho người.
1. Escargot
Escargot trong tiếng Pháp có nghĩa là ốc sên, đây là món đặc sản đắt đỏ bậc nhất thế giới của nước Pháp. Các loài ốc chính được dùng làm escargot như Helix Aspersa (ốc sên vườn châu Âu), Helix Locurum (ốc sên vườn Thổ Nhĩ Kỳ) và Helix Pomatia (ốc Burgundy) đều có thể dễ dàng tìm thấy. Các nghiên cứu đã chỉ ra ốc sên chứa 15% protein và nhưng lượng chất béo vỏn vẹn 2,4%. Ăn ốc sên giúp chữa nhiều bệnh như đau khớp, lưng, ... Sau khi thu hoạch từ trại, ốc được chuyển tới các đầu bếp. Họ "rửa ruột" ốc bằng cách cho chúng ăn những loại thảo dược đặc biệt, đồng thời chỉ được uống nước. Công đoạn sơ chế gồm rửa và luộc. Những bước này có thể kéo dài vài ngày để đảm bảo món ăn an toàn khi đến với thực khách. Nếu không được sơ chế kĩ càng theo các bước như thế này, món ăn có thể trở thành nguồn lây bệnh của giun phổi chuột (Angiostrongylus cantonensis), ấu trùng giun có thể ký sinh trên não người và gây bệnh viêm não tăng bạch cầu ái toan.
Hình 1.Món ốc sên bổ dưỡng này có thế chứa ấu trùng giun phổi chuột (Angiostrongylus cantonensis)nếu không được chế biến đúng cách.
2. Sashimi
Sashimi là món ăn truyền thống của Nhật Bản, thành phần chính là các loại cá, hải sản sống được thái lát ăn cùng gừng, tía tô, rong biển, … chấm cùng nước tương, wasabi. Thông thường, các loại cá, hải sản này thường được dùng phương pháp đông đá để loại bỏ ký sinh trùng. Phương pháp này theo quy định của Liên hiệp châu Âu là cho cá đông đá ở nhiệt độ -20 °C (-4 °F) trong 24 giờ sẽ diệt được ký sinh trùng; cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thì khuyến cáo đông đá ở nhiệt độ -35 °C (-31 °F) trong 15 giờ, hoặc -20 °C (-4 °F) trong 7 ngày. Tuy nhiên, do sợ ảnh hưởng tới mùi vị và trình bày món ăn, các bước này thường bị bỏ qua trong quá trình sơ chế. Vì thế, đây là nguy cơ lây nhiễm các loại ký sinh trùng như: sán cá (Diphyllobothrium nihonkaiense), giun tròn Anisakis simplex, Pseudoterranova decipiens, … Tại Việt Nam, ngoài cách ăn sashimi với các loại hải sản, người dân còn sử dụng các loài cá nước ngọt để ăn sống kiểu trộn gỏi, đây là nguy cơ lây nhiễm các loài ký sinh trùng như: giun đầu gai (Gnathostoma spinigerum), sán lá gan nhỏ (Clonorchis sinensis), …
Hình 2. Cá hồi nhập khẩu trong món sashimi có thể là nguồn lây nhiễm sán dây cá cho người.
(A: Sán dây cá dài tới 20m, B: Giun trònPseudoterranova decipiens sống trong thịt cá)
3. Beefsteak
Beefsteak hay còn thường được gọi là bò bít tết, là món ăn chế biến từ những miếng thịt bò phẳng, dày từ 1-5 cm, được nướng hoặc áp chảo sơ các mặt rồi rưới nước sốt lên để thưởng thức. Độ chín beefsteak được ưa chuộng nhất là medium rare (chín 50%), lúc này phần bên trong miếng thịt còn màu hồng và chảy ra nước thịt màu đỏ, với cách chế biến như thế này sẽ không thể giết chết ấu trùng có trong thịt, từ đó là nguyên nhân gây nhiễm các loại ký sinh trùng như sán dây bò (Taenia saginata), sán lá gan lớn (Fasciola gigantlca), … cho người. Miếng thịt khá dày cũng khiến việc phát hiện có nang sán trong thớ thịt trở nên khó khăn hơn. Khi người ăn thịt bò còn tái/sống sẽ nhiễm trứng/ấu trùng sán dây bò, từ đó chúng ký sinh trong lòng ruột và phát triển thành sán dây trưởng thành có thể dài tới 12 m, sống trong cơ thể người từ 20-50 năm. Tại Việt Nam, người dân cũng có thói quen ăn các món bò tái như phở bò tái, bò tái chanh, ...
Hình 3:Sán dây bò (Taenia saginata) được tẩy xổ tại Phòng khám bệnh chuyên khoa Ký sinh trùng từ một bệnh nhân có thói quen ăn bò tái.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
https://zingnews.vn/dac-san-oc-sen-ngon-noi-tieng-cua-nguoi-phap-post1000410.html
https://www.fda.gov/media/80637/download
https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/ALL/?uri=CELEX:31991L0493
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5283844/
BS.Nguyễn Thảo Phương