Một bệnh nhân nữ, sinh năm 1984 đến khám tại Phòng Khám bệnh chuyên khoa ký sinh trùng ngày 24/05/2022 với triệu chứng ngứa hậu môn nhiều, có đốt sán bò ra ngoài. Cách đây 1 tháng bệnh nhân đã mua và uống thuốc fugacar 500mg thì thấy đốt sán bò ra ngày càng nhiều hơn kể cả khi đang ngồi và làm gì cũng thấy ngứa nhột hậu môn. Sau một thời gian nhận thấy tình hình không khả quan nên bệnh nhân đến Phòng Khám bệnh chuyên khoa Ký sinh trùng để khám và điều trị. Tại Phòng khám, bệnh nhân được chỉ định xổ, đãi bắt sán, kết quả đã đãi được một con sán dây bò dài 1.5m.
Bệnh sán dây do một số loài sán dây trưởng thành gây nên. Bệnh gồm các tác nhân gây bệnh chính là Taenia Saginata (sán dây bò), Taenia Solium (sán dây lợn) và Taenia Asiatica (sán dây chủng châu Á), Diphyllobothrium latum (sán dây cá), … Sán dây trưởng thành có chiều dài rất lớn, có thể dao động trong khoảng 2 - 4m hoặc có khi lên đến 8 - 10m, cấu trúc gồm phần đầu hình cầu, phần cổ, và phần thân gồm rất nhiều đốt có chứa trứng sán bên trong nên những trứng sán này rất khó để tấn công vào chúng. Khác với ấu trùng của chúng thì sán dây trưởng thành thường ký sinh và gây bệnh trong ruột người, thời gian ủ bệnh của nó rơi vào 8 - 10 tuần.
Hình 1. Sán dây dài 1.5m của bệnh nhân xổ đãi tại Phòng khám
Một số lưu ý khi cần thiết:
- Tẩy sán bằng uống thuốc Fugacar: Bệnh nhân nghĩ mình uống thuốc xổ giun Fugacar là đã đủ diệt con sán trong ruột. Fugacar là tên biệt dược phổ biến của Mebendazole, thường được dùng để xổ giun đường ruột định kỳ. Fugacar 500mg được chỉ định điều trị trong trường hợp nhiễm một hay nhiều loại giun tròn ký sinh trong đường ruột như: Enterobius vermicularis (giun kim), Trichuris trichiura (giun tóc), Ascaris lumbricoides (giun đũa), Ancylostoma duodenale (giun móc), Necator americanus (giun mỏ), ... Fugacar không diệt được các loại sán hoặc một số loài giun có ấu trùng di chuyển trong máu và nội tạng. Các thuốc đặc hiệu để tẩy xổ sán dây trưởng thành và điều trị ấu trùng sán dây, cũng như tẩy xổ đúng cách cần phải tới các cơ sở y tế chuyên khoa.
- Không thể có sán nếu ăn thịt đã được nấu chín: Bệnh nhân nghĩ mình không bao giờ ăn đồ chưa nấu chín kĩ như thịt bò tái, nem chua, tại sao lại bị nhiễm sán dây? Ấu trùng của sán dây tồn tại ở khắp mọi nơi như lấy phân heo, bò để bón cho cây trồng, khi thu hoạch ấu trùng bám vào rau và chúng ta ăn rau sống không rửa kỹ cũng có thể gây nên bệnh sán dây đường ruột.
- Bệnh sán dây trưởng thành không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe: Bệnh sán dây thường xuất hiện với các triệu chứng rối loạn tiêu hóa rất nhẹ, không điển hình như đau bụng, cảm giác buồn nôn, ỉa chảy, táo bón, ... Vì thế thông thường bệnh nhân sẽ chậm trễ hoặc bỏ qua việc điều trị. Tuy nhiên, nếu để lâu các đốt sán già vỡ ra có thể dẫn tới bệnh ấu trùng sán dây, lúc này ấu trùng sán ký sinh trong cơ, mắt, não và hệ thần kinh gây nên những biến chứng nặng nề khó điều trị.
Vì vậy, nếu các bạn có những triệu chứng nhiễm sán dây hãy đến với PK bệnh chuyên khoa Ký sinh trùng để được tư vấn và điều trị.
BS. Phạm Thị Thiên Lý, BS. Nguyễn Thảo Phương