Toxoplasma gondii có thể gây ảnh hưởng tới thai phụ

Toxoplasma gondii là gì?

Toxoplasma gondii hay còn gọi là trùng cong, là một loại ký sinh trùng ký sinh ở máu, mô của người và động vật, phổ biến nhất là ở mèo (ký chủ vĩnh viễn) và là nguyên nhân gây bệnh Toxoplasma (Toxoplasmosis)

Hình thể Toxoplasma gondii tồn tại ở 3 dạng:

(1) Thể bradyzoit (đoản trùng) là những thể phát triển chậm, nằm trong những nang ở mô (còn gọi là nang giả - pseudocyst), thường ở cơ xương, cơ tim và não. Một khi được nuốt vào, dịch tiêu hóa sẽ làm tan vách nang và các bradyzoit còn sống sẽ được phóng thích.

(2) Thể tachyzoit (thể hoạt động) là những thể sinh sản nhanh trong mô ở giai đoạn cấp tính. Tachyzoit là những thể phá hủy mô, chúng tiếp tục sinh sản cho đến khi nang giả được thành lập hoặc mô bị phá hủy. Sau khi các tế bào chết, các tachyzoit tự do xâm nhập các tế bào khác và tiếp tục sinh sản.

(3) Giai đoạn phát triển hữu tính ở các tế bào biểu mô ruột của mèo cho ra các nang trứng (oocyst) được thải trong phân. Các nang trứng này sau đó tiếp tục phát triển ở ngoại cảnh để chứa các sporozoit (thoa trùng).

Toxoplasma gondii ảnh hưởng tới thai phụ như thế nào?

Nếu nhiễm Toxoplasma gondii lần đầu tiên khi đang mang thai hoặc vài tháng trước khi thụ thai, thì một số rủi ro mà nhiễm trùng có thể gây ra là:

  • Sẩy thai
  • Thai chết lưu
  • Dị tật bẩm sinh hoặc một số vấn đề khác sau khi em bé được sinh ra (rất hiếm)

Người ta ước tính rằng chỉ có 1 trong 10.000 trẻ sinh ra mắc bệnh Toxoplasma ở Anh.

Toxoplasma gondii có thể lây nhiễm từ mẹ sang con

Hình 1. Chu trình phát triển hữu tính của Toxoplasma gondii ở mèo

Khi còn trong tử cung, thai nhi có thể bị nhiễm Toxoplasma gondii nếu mẹ mắc bệnh trong lúc có thai, vì các thể hoạt động (tachyzoit) có thể đi xuyên qua nhau thai. Mức độ nặng của bệnh tùy thuộc vào tuổi của thai nhi vào thời điểm bị lây nhiễm. Tỉ lệ nhiễm bệnh ở 3 tháng đầu thai kỳ rất thấp (6%), trong khi đó tỉ lệ bị nhiễm bệnh ở 3 tháng cuối thai kỳ tới 60-81%. Tuy nhiên, nhiễm bệnh càng sớm thì bệnh càng nặng và ngược lại. Khi bị nhiễm rất sớm (như trong 3 tháng đầu của thai kỳ) thì trẻ có thể bị chết trong bụng mẹ hay nếu được sinh ra thì có thương tổn nặng ở hệ thần kinh trung ương như có hóa vôi trong não và tràn dịch não.

Chưa có báo cáo chứng minh được Toxoplasma gondii có thể lây truyền qua sữa mẹ.

Rất hiếm khi mang thai lần 2 có thể gây ra bệnh Toxoplasma bẩm sinh, trừ phi người mẹ bị suy giảm miễn dịch, thường là do bệnh AIDS.

Phòng nhiễm trùng Toxoplasma gondii

Sau đây là một số lưu ý cho phụ nữ chuẩn bị có thai hoặc đang mang thai để giảm nguy cơ nhiễm trùng:

  • Khám tầm soát và điều trị bệnh Toxoplasma trước khi chuẩn bị mang thai
  • Tránh đổ khay vệ sinh cho mèo khi bạn đang mang thai
  • Nếu không ai khác có thể đổ khay vệ sinh, hãy sử dụng găng tay cao su dùng một lần - khay nên được làm sạch hàng ngày
  • Tránh tiếp xúc gần với mèo bị bệnh
  • Ngay cả khi bạn không nuôi mèo, hãy đeo găng tay nếu làm vườn trong trường hợp đất bị nhiễm phân
  • Rửa tay và găng tay sau khi làm vườn
  • Nếu bạn tiếp xúc với phân mèo, hãy rửa tay thật sạch
  • Tẩy giun cho mèo định kỳ
  • Tuân thủ các quy tắc chung về vệ sinh thực phẩm – xem cách chế biến thực phẩm an toàn và cách bảo quản thực phẩm an toàn
  • Ngoài ra gia súc (bò, cừu...) có thể mang Toxoplasma gondii nên cũng cần tránh tiếp xúc và vắt sữa gia súc.

BS. Nguyễn Thảo Phương

TÀI LIỆU THAM KHẢO

/noi-dung/kham-benh-giun-san/benh-toxoplasma.html

https://www.nhs.uk/common-health-questions/pregnancy/what-are-the-risks-of-toxoplasmosis-during-pregnancy/

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4046541/

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,