Điểm tin y tế tuần 12

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Mặt trái của sử dụng kháng sinh không đúng

Theo Plos biology, Kháng sinh trị liệu rất cần thiết trong những tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng có thể gây nhiều tác hại.

Theo một thử nghiệm về việc dùng kháng sinh trên loài ong mật của các nhà khoa học thuộc Đại học Texas (Mỹ) cho thấy nếu cho uống kháng sinh theo định kỳ thì ong sẽ chết sớm hơn so với những con không dùng. Nhóm nghiên cứu phát hiện nguyên nhân đa số ong chết do tình trạng nhiễm trùng lây lan, kháng sinh đã tiêu diệt phần lớn các vi khuẩn có lợi trong ruột, tạo cơ hội cho loại vi khuẩn có hại sinh sôi. Nhiều vi khuẩn trong đó cũng có ở hệ tiêu hóa người. Nhóm nghiên cứu cho rằng chỉ nên dùng kháng sinh khi cần thiết, nhất là trong thời đại vi trùng ngày càng đề kháng với kháng sinh như hiện nay.

2. Tìm ra cơ chế tiến hóa của vi khuẩn nguy hiểm nhất thế giới

Theo Lenta, Các nhà khoa học thuộc Viện Broad của Học viện Kỹ thuật Massachusetts và Đại học Harvard, Mỹ đã tìm ra được cơ chế tiến hóa thành siêu vi khuẩn kháng mọi loại thuốc của các vi khuẩn nguy hiểm chết người. Sự thay đổi trong DNA có thể dẫn tới việc tăng cường khả năng kháng kháng sinh của vi khuẩn. Chẳng hạn, vi sinh vật có thể có được các loại gene có khả năng tách các phân tử thuốc và đẩy chúng ra khỏi tế bào. Quá trình đột biến điểm (thường có liên quan tới 1 nucleotide trong gene) cũng có khả năng thay đổi cấu trúc của các protein quan trọng với sự sống, biến chúng trở nên bất khả xâm phạm trước những tác động của thuốc kháng sinh.

Trong các thí nghiệm của mình, các nhà sinh học đã nuôi cấy vài trăm chủng vi khuẩn cùng loại có tên Mycobacterium smegmatis (thuộc họ vi khuẩn gây bệnh lao). Theo quan sát của họ, rất nhiều vi khuẩn đã bị chết khi tiếp xúc với thuốc kháng sinh nồng độ thấp, trong khi đó, nhóm vi khuẩn đã đột biến thì lại hoàn toàn đề kháng với thuốc kháng sinh. Theo giải thích của các nhà sinh học, khả năng kháng kháng sinh của vi khuẩn là do nó đã có sự biến đổi trong gene mã hóa các thành phần ribosome. Những đột biến này gây ảnh hưởng tới trình tự của ribosome và gây ra những thay đổi lớn cho hệ phiên mã và hệ protein. Quan trọng hơn, đột biến giúp vi khuẩn tăng tường khả năng tiến hóa, kháng thuốc nồng độ cũng như thuốc điều trị chuyên biệt. Từ đây, những đột biến ức chế ở vi khuẩn rất dễ nảy sinh để tiếp tục phát triển nhanh chóng.

3. Xét nghiệm máu để chẩn đoán chính xác chứng tự kỷ

Theo Reuters, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Bách khoa Renselaer của Mỹ cho thấy, phương pháp xét nghiệm máu có thể chẩn đoán được tương đối chính xác hội chứng tự kỷ ở trẻ em.

Các nhà khoa học thử nghiệm phương pháp mới này với 85 trẻ em từ 3 đến 10 tuổivà đã phát hiện được các trường hợp trẻ mắc bệnh khi đo hàm lượng của 24 protein liên quan đến chứng tự kỷ. Kiểm tra bằng các phương pháp hiện cho thấy việc chẩn đoán qua xét nghiệm máu đúng đến 97%. Ngoài ra, phương pháp mới này còn cho biết trẻ mắc bệnh ở mức độ nghiêm trọng như thế nào. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng cần phải thử nghiệm ở phạm vi rộng hơn nữa mới có thể khẳng định được tính hiệu quả của phương pháp này.

Hội chứng tự kỷ là căn bệnh rối loạn về phát triển trí tuệ, khả năng giao tiếp ở trẻ nhỏ. Hiện nay, các bác sĩ thường chẩn đoán trẻ mắc bệnh hay không bằng cách quan sát hành vi của trẻ như lặp đi lặp lại một động tác hay những dấu hiệu bất thường trong kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên, dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ chỉ thể hiện rõ khi trẻ hơn 2 tuổi. Theo ước tính, cứ 68 trẻ thì có một bé mắc chứng tự kỷ.

4. Tạo em bé từ ADN của... 3 người

Theo truyền thông Anh và Mỹ, cơ quan quản lý sinh sản ở Anh đã cấp giấy phép cho các nhà khoa học của Đại học Newcastle ngày 16/3/2017. Giải pháp kỹ thuật tạo ra em bé từ ADN của 3 người nhằm giải quyết các bệnh tật liên quan tới các ty thể, những cấu trúc sản sinh năng lượng bên ngoài nhân tế bào, có vai trò quan trọng nhất là chuyển hóa năng lượng từ thức ăn thành năng lượng của tế bào. Các ty thể bị rối loạn khiến các tế bào không thể sản sinh năng lượng cần thiết cho cơ thể, từ đó dẫn tới những tình trạng loạn dưỡng cơ và rối loạn chức năng cơ quan chính.

Các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật truyền nhân thẳng, tách nhân tế bào khỏe mạnh từ một trong những trứng của người mẹ và truyền nó vào một trứng của người hiến, trứng này đương nhiên đã được tách bỏ phần nhân tế bào. Trứng sau khi được truyền nhân thẳng (mang ADN của người mẹ và cả ADN từ ty thể của người hiến) sẽ được đưa đi thụ tinh cùng với tinh trùng của người bố. Theo đó, hoàn toàn dễ hiểu khi phôi thai hình thành sẽ mang trong nó cấu trúc gen của ba người: người mẹ, người hiến trứng và người cha.

Theo BBC, cứ 6.500 đứa trẻ sinh ra lại có một trường hợp mắc chứng bệnh liên quan đến ty thể.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,