1. VỊ TRÍ PHÂN LOẠI
Giới | Động vật |
Ngành | Chân đốt |
Lớp | Hình nhện |
Bộ | Sarcoptiformes |
Họ | Sarcoptidae |
Giống | Sarcoptes |
Loài | Sarcoptes scabiei |
2.1. Trên thế giới
Họ Sarcoptidae có ba phân họ (Sarcoptinae, Teinocoptinae, và Diabolicoptinae) bao gồm 16 giống và 118 loài, tất cả đều ký sinh trên các loài động vật có vú. Phân họ Sarcoptinae bao gồm bốn giống: Sarcoptes (1 loài), Prosarcoptes (3 loài), Trixacarus (3 loài) và Kutzerocoptes (1 loài). Cả Sarcoptes scabiei và Trixacarus caviae có hình dạng giống nhau và có thể bị nhầm lẫn [2].
Loài cái ghẻ này trước đây được gọi là Acarus scabiei (DeGeer, 1778) trước khi giống Sarcoptes được công nhận (Latreille, 1802) và sau đó nó có tên khoa học là Sarcoptes scabiei. Larry G. Arlian và Marjorie S. Morgan, loài S. scabiei có 3 phức hợp loàiS. scabiei var. hominis (ký sinh ở người), S. scabiei var. canis (ký sinh ở chó) và S. scabiei var. suis (ký sinh ở heo) [2].
2.2. Việt Nam
Theo nghiên cứu Larry G. Arlian và Marjorie S. Morgan, 2018. Việt Nam có loài Sarcoptes scabiei [2]
2.3.Khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng
Theo Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP. HCM cho đến nay khu vực chỉ có loài Sarcoptes scabiei
3. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC
3.1. Đặc điểm hình thể
3.1.1. Trứng:
Hình 12.1. Hình thể trứng cái ghẻ [5]
Trứng cái ghẻ hình bầu dục, chiều dài 0,10 đến 0,15 mm
3.1.2. Ấu trùng:
Hình 12.2. Hình thể ấu trùng cái ghẻ [6]
Ấu trùng cái ghẻ hình bầu dục, có 6 chân
3.1.3. Thanh trùng:
Hình 12.3.Hình thể thanh trùng của cái ghẻ [7]
Cái ghẻ ở giai đoạn thanh trùng có hình dạng giống với cái ghẻ trưởng thành.
3.1.4. Cái ghẻ trưởng thành:
Hình 12.4.Hình thể cái ghẻ trưởng thành [8]
Toàn thân có hình bầu dục, mặt lưng gồ, mặt bụng phẳng, không có mắt. Con trưởng thành có 8 chân. Trên mặt da có nhiều lằn song song và có nhiều lông, không có lỗ thở mà thở ngang qua da [4].
Con đực khoảng 200 - 250mm, con cái khoảng 300 - 450 mm. Miệng gồm một kềm có răng, hai xúc biện hàm là ba đốt hình nón nối tiếp nhau, một môi dưới dính liền với hạ khẩu. Ngực trước mang hai cặp chân nhô ra và có bộ phận bám hình chuông. Bụng dưới con cái ghẻ mang hai cặp chân có lông tơ dài còn ở con đực, cặp chân thứ tư lại tận cùng bằng bộ phận bám. Con đực có bộ phận sinh dục hình chuông [4].
3.2. Vòng đời phát triển
Hình 12.5.Vòng đời phát triển của cái ghẻ [3]
Con cái thường ở cuối đường hầm và đẻ trứng rải rác trên đường hầm. Mỗi lần đẻ 2-4 trứng. Trọn đời đẻ 35-50 trứng. Khoảng 3-4 ngày sau, trứng nở ra ấu trùng có ba cặp chân và từ đường hầm, ấu trùng đào đường hầm thẳng góc với đường hầm mệ để chui lên mặt da rồi vào lỗ chân lông khác. Sau 3 – 10 ngày, ấu trùng lột xác thành nhộng. Con cái phải qua hai giai đoạn nhộng, con đực chỉ qua một giai đoạn thôi rồi nhộng lột xác thành con trưởng thành khoảng 8 ngày sau. Nếu trời lạnh, cái ghẻ cái có thể sống ngoài cơ thể 3 ngày không cần ăn [3, 4].
Toàn chu trình lâu khoảng 8 – 15 ngày tùy nhiệt độ và khí hậu [3, 4].
3.3. Tập tính
Cái ghẻ di chuyển qua các lớp trên cùng của da bằng cách tiết enzyme proteases để làm suy giảm tầng lớp sừng. Chúng ăn các mô bị phân hủy nhưng không ăn máu. Cái ghẻ sống trong đường hầm ngoằn ngoèo. Ban đêm, khi da ấm lên, con cái ghẻ được hoạt hóa, tích cực đào đường hầm, mỗi ngày đào được khoảng 2-3mm. Đây là lúc ngứa nhất, dễ lây truyền nhất, vì ngứa phải gãi làm vương vãi cái ghẻ ra quần áo, giường chiếu... Đường hầm thường kết thúc ở lớp sừng của da [3, 4].
Con đực chỉ đào đường hầm nhánh hay đào thành những túi từ đường hầm chính hoặc không đào hầm, thường sống trên mặt da hay trong đường hầm do con cái đào sẵn, sau khi giao hợp thì chết. Ghẻ cái sinh sôi nảy nở rất nhanh, trong điều kiện thuận lợi, ghẻ cái cũng chết sau khi đã đẻ hết số trứng của mình, cái ghẻ cái sống khoảng 1 tháng hoặc Cái ghẻ sẽ chết sau khi rời vật chủ 4 ngày [3, 4].
4. VAI TRÒ Y HỌC [2, 4, 10]
Hình 12.6.Chu trình dịch tễ học của bệnh cái ghẻ [9]
Thời kỳ ủ bệnh thay đổi từ 2 - 40 ngày, trung bình từ 10-15 ngày.
Bệnh nhân ngứa rất dữ dội và tăng lên vào ban đêm. Thương tổn đỏ, bong vảy da, thỉnh thoảng có các nốt và sẩn đóng vảy, thường gặp ở các nếp kẽ, bờ bên các ngón tay, nấp gấp cổ tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, nách, bìu, dương vật, môi lớn, quầng vú ở nữ. Đỏ da rải rác ở thân mình thể hiện một phản ứng tăng nhạy cảm với kháng nguyên của KST ghẻ. Đặc trưng của bệnh là các luống ghẻ có cấu trúc dạng sợi chỉ, mảnh, thẳng, dài 1-10 mm, hình thành do sự di chuyển của cái ghẻ trong lớp sừng. Các vị trí nhìn thấy luống ghẻ rõ nhất là các nếp gấp, cổ tay, khuỷu. Tuy nhiên, khó có thể nhìn thấy chúng ở giai đoạn sớm của bệnh hoặc khi da bị trầy xước.
Ở trẻ em, da mặt và da đầu có thể bị bệnh, trong khi đó, ở người lớn thì rất hiếm. Các sẩn cục ngứa, màu đỏ tới tím thường gặp ở vùng nách và thân mình (trẻ em), vùng bìu (người lớn), nguyên nhân cũng là do phản ứng quá mẫn đối với kháng nguyên của ký sinh trùng ghẻ. Các sẩn cục này vẫn tồn tại trong nhiều tuần sau khi cái ghẻ đã bị loại trừ. Mụn nước và bọng nước có thể xuất hiện, đặc biệt là ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Hình 12.7. Các san thương do cái ghẻ gây ra [11]
Các thương tổn cơ bản trong bệnh ghẻ thường là:
- Mụn nước sắp xếp rải rác, riêng rẽ ở vùng da mỏng như kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, mặt trước cổ tay, cẳng tay, nếp vú, quanh thắt lưng, rốn, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục. Ở trẻ sơ sinh mụn nước có thể xuất hiện ở lòng bàn chân. Ở quy đầu, ghẻ có thể gây ra vết trợt được gọi là săng ghẻ, dễ nhầm với săng giang mai.
- Sẩn cục hay sẩn huyết thanh: hay gặp ở nách, bẹn, bìu.
- Đường hầm ghẻ hay còn gọi là luống ghẻ, rất đặc hiệu, nhưng không phải lúc nào cũng dễ tìm thấy. Luống ghẻ do ghẻ cái tạo thành dài, 3-5mm, bên trên mặt da là một mụn nước nhỏ, lấy kim chích dịch chay ra, để lộ màu xám hoặc đen, dùng kim khêu sẽ bắt được cái ghẻ bám trên đầu kim. Đường hầm thường tìm thấy ở kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, nếp gấp cổ tay và quy đầu.
- Trên da có thể có những vết xước, vảy da, đỏ da, dát thâm. Có thể có bội nhiễm, chàm hóa, mụn mủ.
- Triệu chứng cơ năng: người bệnh ngứa, khó chịu, nhất là về đêm vì cái ghẻ đào hầm vào ban đêm.
Trong ghẻ vảy, các mảng dày sừng lan tỏa ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, kèm theo là sự dày lên và loạn dưỡng của các móng, khô các vùng da còn lại. Triệu chứng ngứa rất đa dạng và thậm chí là không ngứa. Có tới hàng triệu cái ghẻ ký sinh trên da và đây là nguồn lây bệnh lớn.
Chẩn đoán bệnh ghẻ: dựa vào tiêu chuẩn vàng là tìm thấy cái ghẻ. Các phương pháp tìm cái ghẻ thường được áp dụng trong thực hành lâm sàng là soi tìm dưới kính hiển vi, có thể thấy cái ghẻ, trứng ghẻ, chất cặn thải của cái ghẻ. Ngoài ra, có thể sử dụng phản ứng khuếch đại chuỗi polymerase trong đó DNA của KST ghẻ được tìm ra từ vảy da. Tuy nhiên, không phải lúc nào xét nghiệm cũng tìm thấy cái ghẻ và các sẩn phẩm của chúng. Vì vậy, chẩn đoán dựa vào các đặc điểm lâm sàng và tính chất dịch tễ là rất quan trọng.
Điều trị bệnh ghẻ: Có nhiều phương pháp điều trị bệnh ghẻ với các mức độ hiệu quả khác nhau. Các yếu tố ảnh hưởng tới việc lựa chọn điều trị là độ tuổi, giá cả, mức độ nặng của bệnh và tính hiệu quả của các phương pháp điều trị trước đó.
Nguyên tắc điều trị: điều trị cho cả những người trong gia đình, tập thể, vườn trẻ… nếu phát hiện bị bệnh ghẻ; bôi thuốc phải đúng cách; giặt sạch, phơi khô quần áo, chăn chiếu, các đồ dùng khác.
Các thuốc điều trị: Ở người lớn, các thuốc diệt ghẻ tại chỗ nên sử dụng khắp bề mặt da, trừ vùng mặt và da đầu, và đặc biệt chú ý tới các vùng nếp kẽ, vùng sinh dục, quanh móng, sau tai. Ở trẻ em và những bệnh nhân ghẻ vảy, cần điều trị cả vùng mặt và da đầu. Bệnh nhân cần được tư vấn rằng, thậm chí khi đã điều trị đầy đủ, các dát và ngứa có thể kéo dài sau đó 4 tuần. Ngoài ra, có thể sử dụng corticoid tại chỗ, kháng histamin và, nếu cần thiết là corticoid hệ thống để giảm ngứa và dát đỏ khi bệnh nhân đã sử dụng thuốc diệt ghẻ.
5. BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG [4]
Vệ sinh cá nhân hằng ngày sạch sẽ.
Khi phát hiện ra có người trong gia đình bị ghẻ cần điều trị sớm, tránh tiếp xúc và dùng chung các đồ dùng của người bị bệnh.
6. PHƯƠNG PHÁP THU THẬP, ĐIỀU TRA [1]
Các loài thuộc họ Sarcoptoidae có kích thước rất nhỏ nên nhiều khi rất khó thu thập ở những nốt ghẻ. Thường dùng kính lúp để soi tìm chúng ở những rãnh ghẻ. Cũng có trường hợp rãnh ghẻ rất khó thấy trên mặt da và thường dùng kỹ thuật Hirschfeld để soi tìm rãnh:
Bôi dung dịch huỳnh quang (Flourescein 0,05g + Glyxerin 200ml + Cồn 900C) lên mặt da.
Rửa mặt da bằng nước
Soi bằng ánh sáng đèn Wood trong điều kiện tối, những rãnh ghẻ sẽ bắt màu huỳnh quang.
Sử dụng biện pháp tập trung ký sinh trùng để tìm cái ghẻ:
Kỹ thuật Sheather: dùng những vảy ghẻ để tập trung cái ghẻ, những vẩy ghẻ được đun nóng sau khi đã trộn lẫn vào dụng dịch KOH 10 – 20%. Cần đun nóng cho đến khi những vẩy ghẻ bị rã. Sau đó ly tâm nhẹ, bỏ phần dung dịch kali thay bằng nước đường 44% (tỉ trọng 1,2). Trộn đều và ly tâm từ 1 – 2 phút. Hớt mặt trên của dung dịch ly tâm để tìm cái ghẻ.
Kỹ thuật Vojda: dựa theo nguyên tắc tương tự như kỹ thuật Sheather. Những vẩy ghẻ được trộn vào nước nóng (50 – 600C). Thêm Glyxerin đồng lượng với nước, trộn đều, ly tâm 15 phút để lắng và hớt phần nước bề mặt để soi.
HÌNH ẢNH MỘT SỐ LOÀI CÁI GHẺ
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Mạnh Hùng, Hồ Đình Trung (2011), Thực hành kỹ thuật chân đốt y học, NXB Y học, Hà Nội, 462.
Larry G. Arlian and Marjorie S. Morgan, 2017. A review ofSarcoptes scabiei: past, present and future. Parasites & Vectors (2017) 10:297
Ljunggren, E.L. 2005. Molecular analysis of Sarcoptes scabiei. Doctoral thesis. ISSN 1652-6880, ISBN 91-576-7046-3
Scabies Handbook, 2012. Michigan Department of Community Health Scabies Prevention and Control Manual
http://wirus.info/s/sarcoptes-scabiei-eggs.html
https://www.shvpl.info/imagesgkl-sarcoptes-scabiei-eggs.htm
https://www.thehealthsite.com/news/woman-eaten-alive-by-mites-in-a-hospital-facts-about-scabies-that-you-should-know-w0418/
http://people.upei.ca/sgreenwood/html/body_arthropods.html
https://www.cdc.gov/parasites/scabies/biology.html
http://www.dalieu.vn/benh_da_lieu/articletype/articleview/articleid/32055/benh-ghe
http://paedsid.blogspot.com/2014/03/common-skin-infection-among-children-in.html
https://docplayer.fr/11085771-La-gale-humaine-sarcoptes-scabiei-hominis-role-du-desinsectiseur.html
https://www.vetstream.com/treat/felis/bug/sarcoptes-scabiei
https://www.pinterest.com/pin/328270260334044583/
https://www.nature.com/articles/laban0704-22
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)