VE

1. VỊ TRÍ PHÂN LOẠI

Giới

Động vật

Ngành

Chân khớp

Lớp

Hình nhện

Phân lớp

Acari

Liên bộ

Parasitiformes

Bộ

Ixodida

Liên họ Ixodoidea

gồm 03 họ:

2. THÀNH PHẦN LOÀI VÀ PHÂN BỐ

2.1. Trên thế giới

Vai trò truyền bệnh của ve đã phát hiện từ 100 năm trước Công nguyên. Nhiều nhà dược học Trung Quốc đời Minh đã mô tả về sinh học ve trưởng thành, ấu trùng và chu kỳ phát triển của chúng. Sang thế kỷ thứ 18, năm 1746, Carl Linnaeus đã đề cập đến phân loại và xác định tên khoa học cho một số loài ve như Ixodes ricinus, Hyalomma aegyptium .v.v... nhưng chưa sắp xếp thành hệ thống. Năm 1901, Neumann đã thống kê được 246 loài ve cứng và xuất bản sách "Ve cứng - Ixodidae"[5].

Nhiều nhà khoa học hiện nay không thống nhất trong hệ thống phân loại ở một số giống ve, nhưng cùng quan tâm về tính hợp lệ của tên loài. Do đó Alberto và cộng sự (2010) đã thông qua danh sách các loài ve, phân loại giống của họ Argasidae theo Hoogstraa (1985) đề xuất các giống: Antricola, Argas, Nothoaspis, Ornithodoros và Otobius. Phân loại giống của họ Ixodidae theo đề xuất của Barker và Murrell (2002) gồm các giống: Amblyomma, Anomalohimalaya, Bothriocroton, Cosmiomma, Dermacentor, Haemaphysalis, Hyalomma, Ixodes, Margaropus, Nosomma, Rhipicentor và Rhipicephalus. Ngoài ra, đã thêm 2 giống Cornupalpatum và Compluriscutula và các loài của giống này [8].

Như vậy trên thế giới đã phát hiện được 896 loài ve thuộc 3 họ Argasidae, Ixodidae và Nuttalliellidae [8]:

- Họ Argasidae có 193 loài, trong đó giống Antricola (17 loài), Argas (61 loài), Nothoaspis (01 loài), Ornithodoros (112 loài) và Otobius (02 loài).

- Họ Ixodidae gồm có 702 loài thuộc 14 giống: Amblyomma (130 loài, trong đó 17 loài thuộc giống Aponomma trước đây, một số nhà khoa học vẫn xem giống Aponomma là hợp lệ), Anomalohimalaya (3 loài), Bothriocroton (7 loài, tất cả các loài này thuộc giống Aponomma trước đây), Cosmiomma (1 loài), Cornupalpatum (1 loài), Compluriscutula (1 loài), Dermacentor (34 loài, trong đó có một loài thuộc giống Anocentor trước đây (một số nhà khoa học vẫn xem giống Anocentor là hợp lệ), Haemaphysalis (166 loài), Hyalomma (27 loài), Ixodes (243 loài), Margaropus (3 loài), Nosomma (2 loài), Rhipicentor (2 loài) và Rhipicephalus (82 loài).

- Họ Nuttalliellidae chỉ có một loài Nuttalliella namaqua. Loài ve này được tìm thấy ở Tanzania, Namibia và Nam Phi, nó có khả năng nhận biết và chọn lựa ký chủ. N. namaqua đã được thu thập từ các động vật có vú, bò sát và các loài chim làm tổ.

2.2.Việt Nam

Ở Việt , đến thế kỷ XX mới có một số tác giả nước ngoài đề cập tới các loài ve ở nước ta. Năm 1944, Toumanoff đã xuất bản công trình nghiên cứu khu hệ ve ở Đông Dương một cách hệ thống và khá đầy đủ. Kolonin và cộng sự (1995) cho biết, khu hệ ve Việt Nam có 48 loài. Nguyễn Văn Châu (2017) [3], đã thống kê ở Việt Nam có 81 loài và phân loài ve thuộc hai họ của liên họ Ixodoidea. Trong đó, họ ve mềm (Argasidae) 1 loài thuộc giống Argas: Argas vespertillionis; họ ve cứng (Ixodidae) có 80 loài, số loài trong các giống như sau: Amblyomma 11 loài: Amblyomma cyprium, Am. dammermani, Am. geoemydae, Am. helvolum, Am. javanense, Am. robinsoni, Am. supinoi, Am. testudinarium, Am. sublaeve, Am. boucaudi; Aponomma 4 loài: Aponomma crassipes, Ap. gervaisi, Ap. orlovi, Ap. patton; Boophilus 1 loài: Boophilus microplus; Dermacentor 2 loài: Dermacentor auratus, De. taiwanensis; Haemaphysalis 54 loài: Haemaphysalis suntzovi, Ha. bandicota, Ha. doenitzi, Ha. grochovskajae, Ha. howletti, Ha. atherurus, Ha. quadriaculeata, Ha. traguli, Ha. traubi, Ha. (Alloceraea) aponommoides, Ha. (Al.) vietnamensis, Ha. (Al.) warburtoni, Ha. (Aborphysalis) aborensis, Ha. (Ab) dangi, Ha. (Ab.) atherurus, Ha. (Ab.) formosensis, Ha. (Haemaphysalis) birmaniae, Ha. (Ha.) roubaudi, Ha. (Ha.) obesa, Ha. (Ha.) hirsute, Ha. (Ha.) turturis var. latipunctata, Ha. (Ha.) wellingtoni, Ha. (Ha.) parva, Ha. (Ha.) campanulata, Ha. (Ha.) indoflava, Ha. (Kaiseriana) cornigera, Ha. (K.) anomala, Ha. (K.) shimoga, Ha. (K.) spinigera, Ha. (K.) novae-guineae, Ha. (K.) bispinosa, Ha. (K.) monospinosa, Ha. (K.) lagrangei, Ha. (K.) renschi, Ha. (K.) luzonensis, Ha. (K.) tieni, Ha. (K.) yeni, Ha. (K.) papuana, Ha. (K.) kinneari, Ha. (K.) hystricis, Ha. (K.) hystricis indochinensis, Ha. (K.) menui, Ha. (K.) mesnardi, Ha. (K.) H.bamunensis, Ha. (K.) laocayensis, Ha. (K.) trispinosa, Ha. (Ornithophysalis) ornithophyla, Ha.(Or.) bacthaiensis, Ha. (Rhipistoma) asiatica, Ha. (Rh.) heinrichi, Ha. (Rh.) canestrinii, Ha. (Rh.) indica, Ha. (Rh.) leachi, Ha. (Rh.) dentipalpis; Hyalomma 1 loài: Hyalomma dromedarii; Ixodes 4 loài: Ixodes werneri, I. (Afrixodes) pilosus, I. (Ixodes) granulatus, I. (Partipalpiger) ovatus; Nosomma 1 loài: Nosomma monstrosum và giống Rhipicephalus 2 loài: Rhipicephalus (Rhipicephalus) haemaphysaloides, Rh. (Rh) sanguineus[15].

2.3. Khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng

Thành phần loài ve ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng cho đến nay đã phát hiện được 17 loài thuộc 2 họ. Trong đó họ ve mềm 1 loài: Argas sp. và họ ve cứng (Ixodoidea) 16 loài: Amblyomma sp., Aponomma crassipes, Ap. gervaisi, Boophilus microplus, Dermacentor auratus,, Haemaphysalis aborensis, Ha. bispinosa, Ha. hirsuta, Ha. hystricis, Ha. papuana, Ha. yeni, Ha. wellingtoni, Ixodes pilosus, I. granulatus, Rhipicephalushaemaphysaloides, Rh. sanguineus.

Nghiên cứu của Hồ Đình Trung và cộng sự (2006), điều tra động vật chân đốt tại Vườn Quốc gia Cát Tiên đã thu thập được 4 loài ve: Boophilus microplus, Ixodes pilosus, Haemaphysalis (K.) papuana, Rhipicephalus (R.) haemaphysaloides [4].

Nghiên cứu của Vũ Đức Chính và cộng sự (2006), đã thu thập được 6 loài ve tại Côn Đảo: Aponomma crassipes, B. microplus, Ha. Aborensis, Ha. hystricis, Ha. wellingtoni, Rh. sanguineus[4].

Nghiên cứu của Nguyễn Văn Châu và cộng sự (2008), đã thông báo tại Khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ có 1 loài ve: Rh. sanguineus [8]. Nguyễn Văn Châu và cs (2011), đã điều tra động vật chân đốt tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), thu được 5 loài ve: Boophilus microciphus, Ha. aborensis, Ha. bispinosa, Ha. hirsuta, Rh. sanguineus [1].

Nghiên cứu của Lê Thành Đồng và cs (2015), điều tra động vật chân đốt tại một số điểm ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng, thu được 5 loài ve: Boophilus microphus, D. auratus, Ha. (K.) papuana, Rh. haemaphysaloides, Rh. sanguineus [6].

Nghiên cứu của Lê Thành Đồng và cộng sự 2018, Xác định thành phần loài, sự lưu hành tác nhân gây bệnh và đề xuất quy trình giám sát một số loài chân đốt y học ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng, kết quả thu thập được 2 họ, 7 giống, 9 loài là: Argas sp., Amblyomma sp., Aponomma crassipes, Ap. gervaisi, Boophylus microplus, Haemaphysalis (H.) yeni, Ixodes (Ixodes) granulatus, Rhipicephalus (Rhipicephalus) haemaphysaloides, Rh. (Rh.) sanguineus[7].

3. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC

3.1. Đặc điểm hình thể

3.1.1. Trứng:

Hình 9.1.Hình thể trứng ve[9]

Hình bầu dục khi mới đẻ màu vàng nhạtvề sau nâu sẫm

3.1.2. Ấu trùng, thiếu trùng và ve trưởng thành

Hình 9.2.Hình thể các giai đoạn của ve [10]

Hình 9.3. Hình thể của ấu trùng, thiếu trùng và ve trưởng thành[11]

Hình 9.4.Thân ve cứng (theo Toumanoff).

Đặc điểm hình thái ve cứng Ixodidae:

Ve trưởng thành hình bầu dục, dẹt, dài 2- 20 mm Mai lưng ve đực phủ cả mặt lưng, còn mai lưng ve cái, thiếu trùng và ấu trùng chỉ có ở phần trước lưng. Nhiều loài còn có mai bụng. Phần phụ miệng của ve cứng luôn luôn ở phía trước thân, nhìn thấy hoàn toàn từ mặt lưng,

Cơ thể của ve cứng cũng như ở ve mềm có đầu giả và thân.

Đầu giả (capitulum): đầu giả của ve cứng gồm gốc đầu giả và vòi.

Vòi (gnathosoma): có một đôi kìm, một tấm họng và một đôi xúc biện. Tấm dưới họng này có nhiều hàng răng dọc. Số lượng hàng răng ở mỗi bên thể hiện bằng công thức răng: 3/3 hoặc 4/4 có nghĩa là mỗi bên có 3 hay 4 hàng răng. Đôi xúc biện hay pan nằm ở hai bên bao kìm. Xúc biện có 4 đốt, đốt thứ tư nằm ở mặt bụng đốt thứ ba. Bờ sau lưng, bụng của đốt thứ III, đốt II có thể có cựa lưng hoặc cựa bụng tùy loài và góc sau - ngoài của đốt II và đốt III lồi cạnh nhiều hoặc ít.

Thân (Idiosoma): Lưng thân ve cứng đều có mai lưng (scutum) bằng kitin cứng. Mai lưng của ve đực phủ toàn bộ mặt lưng. Mai lưng của ve cái nằm sau đầu giả. Ở khoảng một phần ba phía trước bờ cạnh của mai ở một số giống ve có mắt. Mặt lưng của ve cái còn có nhiều đường lõm sâu gọi là rãnh. Rãnh cạnh ở hai bên gần giáp cạnh bên của lưng, có thể bắt đầu từ sau mắt xuống đuôi giáp với hoặc cắt hoặc bao lấy 1, 2, 3 hoặc tất cả các rua làm thành một rãnh chạy suốt từ bên này sang bên kia. Rãnh giữa sau nằm ở miền giữa, theo trục thân, rãnh kề giữa nằm ở hai bên rãnh giữa sau, rãnh phụ ở trong hay ngoài, trước hay sau rãnh kề giữa. Ve đực và ve cái đều có 11 rua hay diềm. Trên thân ve có những lỗ nhỏ, gọi là lỗ điểm. Trên mai lưng của nhiều loài thuộc giống Amblyomma còn có những vết, vân.

Mặt bụng có các lỗ, rãnh, các tấm mai bụng và chân như: lỗ thở nằm trên tấm thở bằng kitin, dẹp, dày; có nhiều lỗ nhỏ khắp bề mặt. Tấm thở lồi, phẳng hoặc lõm xuống với nhiều hình dạng khác. Lỗ hậu môn nằm ở khoảng một phần ba phía sau thân. Có 1 – 5 đôi tơ hậu môn. Ấu trùng chỉ có 1 đôi tơ hậu môn, thiếu trùng không quá 3 đôi. Rãnh hậu môn có hay không, vòng trước hay sau lỗ hậu môn tùy giống. Rãnh sinh dục thường có hình parabol vòng trước lỗ sinh dục xuống phía đuôi, đến gần hoặc đến tận các rua (1 hoặc 5).

Chân: ve trưởng thành và thiếu trùng đều có 4 đôi chân, ấu trùng có 3 đôi chân. Mỗi chân gồm có 6 đốt: đốt háng, đốt chuyển, đốt đùi, đốt ống, đốt chày và đốt bàn. Háng có 1 hay 2 cựa Cuối đốt bàn có đệm vuốt.

Đặc điểm hình thái ve mềm Argasidae:

Da nhăn nheo, phần phụ miệng khuất ở mặt bụng không nhìn thấy từ mặt lưng. Ve đói có thể dài từ 2 - 13mm. Cơ thể ve gồm: thân (idiosoma) và đầu giả (gnathosoma) (Hình 2.3)

Thân ve đói của phân họ Argasinae hoàn toàn phẳng hoặc bờ cạnh gập cong lên

Hình 9.5.Thân ve mềm Argas sp., a. mặt lưng , b. mặt bụng (theo Toumanoff)

Hình 9.6. Hình thể ve mềm[12]

3.2. Vòng đời phát triển

Ve thường ký sinh trên nhiều vật chủ khác nhau như chim, thú hoang, bò sát gia súc và người. Chu kỳ phát triển của ve gồm 4 giai đoạn: trứng, ấu trùng, thanh trùng và trưởng thành.

Hình 9.7.Vòng đời phát triển của ve[13]

Trứng: Thời gian giai đoan trứng thường 12- 25 ngày.

Ấu trùng: Ấu trùng từ trứng nở ra, ẩn náu ở lá cây ven các lối đi của người và động vật. Ấu trùng gặp vật chủ bò lên ký sinh, thường tập trung ở những nơi da mỏng, co nhiều mạch máu nhỏ và kín đáo để hút máu (tại vật chủ). Thời gian ấu trùng từ 4 -16 ngày.

Thanh trùng: Thường ký sinh ở háng, bụng vú và nơi yến vật chủ, sau 4 - 14 ngày hút máu no. Thanh trùng ăn no không thể hoạt động được. Khoảng 1 tuần lột xác thành con trưởng thành.

Ve trưởng thành: Ve đực và ve cái giao phối với nhau trên cơ thể vật chủ. Sau khi no máu ve cái rơi xuống đất, tìm nơi ẩn nấp để đẻ trứng. Thời kỳ chờ đẻ khoảng 19 - 39 ngày, Thời gian đẻ trứng khoảng 11 ngày, số lượng trứng nhiều nhất 3.500 trứng. Ve thường đẻ 1 chổ thành ổ trứng, bên ngoài ổ bọc 1 màng nhầy để bảo vệ trứng. Sau khi đẻ xong 7 -14 ngày, ve cái chết.

3.3. Tập tính

Ve cái tìm mồi hút máu và đẻ trứng. Cả đời ve chỉ đẻ 1 lần, đẻ hết trứng teo xác lại rồi chết. Thời gian đẻ trứng kéo dài trong 14-20 ngày với số lượng từ 2.000 – 8.000 trứng. Sau 2-7 tuần, trứng nở ra ấu trùng. Mỗi giai đoạn phát triển ấu trùng, thanh trùng và trưởng thành đều cần hút máu, có no mới lớn lên và lột xác chuyển giai đoạn. Nhìn chung các loài ve hút máu nhiều loài vật chủ (đa vật chủ), một số loài chỉ có ít vật chủ

Hình 9.8. Đặc điểm vật chủ của ve ở từng giai đoạn phát triển [14]

Các hình thức ký sinh của ve có thể là: ký sinh trên một loài vật chủ ở tất cả các giai đoạn (Boophylus caudatus...), ký sinh trên hai vật chủ, giai đoạn ấu trùng và thanh trùng trên một vật chủ, giai đoạn trưởng thành trên 1 vật chủ khác (Rhipicephalus bursa), mỗi giai đoạn phát triển vòng đời ký sinh trên 1 vật chủ khác nhau như (giống Dermacentor, Haemaphysalis)

Thời gian hoàn thành vòng đời phát triển của ve tuỳ thuộc vào thức ăn và nhiệt độ môi trường, kéo dài 2-3 tháng hoặc hơn.

Những động vật là vật chủ của ve: chuột, sóc, trâu, bò, ngựa... và người. Trên vật chủ, ve thường tìm nơi da ẩm như: cổ, nách, bẹn, sau tai...để ký sinh hút máu.

Ve rình mồi bằng cách bám trên ngọn cỏ, lá cây... ở các đường đi của vật chủ. Ve nằm im, đưa hai chân trước lên đánh hơi tìm mồi, hướng về phía vật chủ đang đi lại. Khi vật chủ đi qua, ve bám ngay vào lông tóc, quần áo... sau đó tìm nơi ký sinh

Sau khi bám vào vật chủ 50-60 phút, ve mới hút máu.

Hình 9.9. Tăng trưởng cơ thể ve I. scapularis sau khi đốt máu vật chủ 8 ngày liên tục [15]

Ở nhiệt độ 19-200C, độ ẩm 80% ve hoạt động mạnh. Khi trời nắng ấm, khô ráo ve hoạt động mạnh. Khi trời âm u, trời mưa ve hoạt động ít hơn, có khi ngừng hoạt động.

Mùa phát triển của ve ở Việt Nam khác nhau tuỳ từng loài: các loài thuộc giống Haemaphysalis, Amblioma, Dermacentor phát triển vào hè thu (tháng 4 - tháng 8); các loài thuộc giống Boophylus phát triển quanh năm nhưng nhiều vào đông xuân.

Ve có sức chịu đói cao: ấu trùng có thể nhịn đói khoảng 1 tháng, thanh trùng và trưởng thành nhịn đói được hàng năm. Ve có thể sống khoảng 5 năm.

4. VAI TRÒ Y HỌC

4.1. Vai trò gây bệnh

Gây ngứa tại chỗ: vết ve đốt rất đau, ngứa do phản ứng của vật chủ; hoặc do đầu giả của ve bị đứt lại trong da làm nổi sẩn cục, sưng đau, ngứa, phù nề (hình 9.10).

Thiếu máu: nếu bị ve đốt nhiều có thể gây thiếu máu, đặc biệt ở gia súc bị ve ký sinh nhiều có thể giảm khả năng sinh truởng, giảm sản lượng sữa (bò, dê, ngựa...).

Hình 9.10. Tổn thương tại vị trí ve đốt [16]

Độc tố của ve có thể gây liệt (liệt tạm thời), hay gặp ở trẻ em, đôi khi liệt cơ hô hấp có thể gây tử vong liệt xuất hiện sau khi bị ve đốt 5-7 ngày, gây tê liệt ở chân và ảnh hưởng đến khả năng nói, nuốt và thở. Bệnh xảy ra phổ biến trên thế giới, nguy hiểm ở trẻ em dưới 2 tuổi. Điều trị bằng cách lấy ve ra khỏi cơ thể.

4.2. Vai trò truyền bệnh

4.2.1. Truyền mầm bệnh vi khuẩn

Truyền bệnh sốt phát ban Rickettsia[17]

Bệnh Sốt do Rickettsia là một nhóm bệnh do mầm bệnh là Rickettsia các loài thuộc họ Rickettsiaceae, đại đa số bệnh truyền ngẫu nhiên sang người do các động vật chân đốt; bệnh có những đặc điểm chung sau:

- Mầm bệnh Rickettsia là những cầu trực khuẩn ký sinh nội bào bắt buộc, đường kính 0.3-1-2 mm, có RNA và DNA, có kháng nguyên tương tự nhau.

- Phương thức lây truyền: Đại đa số bệnh truyền sang người do các động vật chân đốt đốt.

- Ổ chứa: Động vật có vú (chủ yếu thú nhỏ - gậm nhấm); hoặc là những động vật chân đốt trung gian có khả năng truyền dọc (ở các bệnh: Sốt nổi mụn núi đá - R. rickettsii; Sốt do mò - O. tsutsugamushi; Sốt Q - C.burnetii; và Rickettsialpox - R.akari); hoặc ổ chứa là bệnh nhân (Sốt phát ban chấy rận - Epidemic louseborne typhus).

- Tổn thương đặc trưng của nhóm bệnh: viêm các mạch máu nhỏ do mầm bệnh sống và sinh sản trong nội mô các động mạch/tĩnh mạch nhỏ và mao mạch; độc tố (toxin) của Rickettsia đã được chứng minh trên súc vật thực nghiệm nhưng mối liên quan với tổn thương ở cơ thể bệnh nhân chưa được rõ.

Hình 9.11. Chu trình dịch tễ học bệnh Rickettsia do ve truyền [18]

- Chẩn đoán lâm sàng nghi ngờ bệnh: Triệu chứng dự báo căn nguyên Rickettsia là:

  • Sốt, nhức đầu, phát ban, vết đốt của động vật chân đôts (+/-).

  • Yếu tố gợi ý thêm: tiếp xúc yếu tố nguy cơ (đói, bẩn, có rận; đi nương rẫy, phát quang cắm trại, bộ đội dã ngoại; ở trại nuôi bò dê, cừu; ở bến cảng, kho gạo, nhiều chuột v.v.).

- Chẩn đoán xét nghiệm xác định: Thông thường bằng các test huyết thanh

  • Phản ứng Weil Felix: từ lâu đến nay vẫn thông dụng ở tuyến cơ sở với 1 số loại Rickettsia (vì có ngưng kết chéo giữa huyết thanh bệnh nhân với kháng nguyên Proteus vulgaris), nhưng không có giá trị đặc hiệu, chỉ có giá trị khả năng

  • Các test huyết thanh khác đặc hiệu hơn: kết hợp bổ thể, ngưng kết hồng cầu gián tiếp, miễn dịch huỳnh quang trực tiếp và gián tiếp, ELISA, PCR,...; các test này phức tạp hơn, chủ yếu triển khai ở các Bệnh viện và Viện nghiên cứu.

  • Phân lập Rickettsia: dùng chủ yếu vào nghiên cứu.

- Điều trị bệnh do Rickettsia: Tới nay, các Rickettsia đều còn nhạy với kháng sinh nhóm Cycline và Chloramphenicol; 2 loại kháng sinh này có thể dùng vào điều trị thử khi nghi ngờ.

Truyền bệnh lyme (Lyme borreliosis )[19, 20]

Bệnh lyme là bệnh từ động vật lây sang người, do xoắn khuẩn Borrelia burgdoferi gây nên. bệnh có đặc điểm lâm sàng là hình thành những ban đỏ di chuyển trên da cùng với những tổn thương toàn thân, khớp, tim, thần kinh. bệnh thường có xu hướng kéo dài hàng tháng cho tới hàng năm nếu không được điều trị.

Mầm bệnh: là xoắn khuẩn Borrelia burgdoferi, có trung bình 7-10 vòng xoắn, di động mạnh. Nuôi cấy cần có môi trường giàu chất dinh dưỡng như môi trường relly và nhiệt độ thích hợp từ 340c - 370c.

Phương thức lan truyền: ve truyền bệnh sang người và động vật qua vết đốt. Một số loài ve truyền bệnh này là: Ixode dammini, Ixodes pacificus, Ixodes ricinus, Ixodes persulcatus.

Ca bệnh lâm sàng: ban đỏ di chuyển. Tại nơi bị ve đốt, lúc đầu xuất hiện một nốt dát đỏ hoặc sẩn đỏ, sau đó tổn thương này lan rộng ra thành ban đỏ. Ban có đường kính thường lớn 5-10 cm và có thể lớn hơn, có hình bầu dục, ở ngoại vi đỏ hơn ở trung tâm. Ban này không gây đau, không ngứa nên bệnh nhân thường không nhận biết được (nếu vị trí ban ở chỗ kín). Vị trí mọc ban thường gặp 50% ở chi dưới (kheo chân, phần trên của đùi), có thể ở thân mình, chi trên và đôi khi ở mặt. Các triệu chứng khác : có thể sưng hạch khu vực, có thể có những biểu hiện toàn thân (sốt, đau đầu, đau khớp). Khi có biểu hiện toàn thân là báo hiệu có sự lan tràn theo đường máu sớm của mầm bệnh.

Ca bệnh xác định: các triệu chứng lâm sàng đặc trưng.

- Xét nghiệm máu: số lượng bạch cầu thường bình thường, máu lắng giờ đầu thường dưới 30 mm.

- Huyết thanh chẩn đoán: có nhiều kỹ thuật được áp dụng (miễn dịch huỳnh quang, ngưng kết hồng cầu, elisa, western blot).

Điều trị : Sử dụng kháng sinh Streptomycin, gentamycin, tetracyclines (e.g. doxycycline) or fluoroquinolones, (e.g. ciprofloxacin)

Bệnh Tularemia [19, 21]

Tularemia là bệnh truyền nhiễm cấp tính do Francisella tularensis. Bệnh gặp ở nhiều loài động vật gặm nhấm, thỏ và thỏ rừng và được truyền sang người qua vết đốt của ve. Tuy nhiên người cũng có thể bị nhiễm qua đường hô hấp do tiếp xúc với động vật bị nhiễm mầm bệnh này. Bệnh có đặc điểm lâm sàng là sốt, viêm hạch lympho ngoại vi và tổn thương nhiều cơ quan khác nhau như : mắt, phổi, đường tiêu hoá.

Mầm bệnh: Francisella tularensis là trực khuẩn đường ruột, kích thước 0,2 - 0,5 micromet. Là trực khuẩn không di động, không tạo thành nha bào, có vỏ bọc, bắt màu gram (-) (cũng bắt màu giemsa theo cách nhuộm của romanovski).

Phương thức lây truyền: lây truyền do tiếp xúc trực tiếp ô nhiễm vi khuẩn qua đường da, niêm mạc (mắt, hô hấp, tiêu hoá). Qua vết đốt của ve. Hiếm gặp hơn là lây qua vết cắn của động vật bị bệnh (mèo, chó, lợn, chồn...)

Ca bệnh lâm sàng: đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, chóng mặt, chán ăn. Mặt xung huyết, viêm kết mạc mắt, niêm mạc miệng và có thể có những chấm xuất huyết. Lưỡi ướt bẩn. Sưng hạch lympho ở các vùng tuỳ theo thể bệnh. Gan to sớm (từ ngày thứ 2), lách to muộn hơn (5-8 ngày). Huyết áp bình thường hoặc hơi giảm. Bạch cầu bình thường hoặc tăng và chuyển trái, nước tiểu có protein và trụ niệu. Cuối thời kỳ khởi phát xuất hiện ho khan, phổi có ran khô (ngày 3-4 của bệnh). Sốt không dứt cơn hoặc dao động ít. Bệnh kéo dài từ 5-7 đến 30 ngày (đa số các truờng hợp 16 đến 30 ngày).

Chẩn đoán xác định: lâm sàng (tuỳ theo thể bệnh), dịch tễ (có ổ bệnh thiên nhiên) và xét nghiệm (dựa vào phương pháp sinh vật học, huyết thanh học và phản ứng trong da).

  • Phương pháp sinh vật : cấy truyền cho động vật thực nghiệm (chuột nhắt và chuột lang).

  • Phương pháp huyết thanh: phản ứng ngưng kết (kháng nguyên f. tularensis, 1ml chứa 1 tỷ vi khuẩn) phản ứng dương tính khi hiệu giá kháng thể ở độ pha loãng ³1/100 vào tuần thứ 4 trở đi.

- Phản ứng trong da : tiêm trong da cẳng tay 0,1 ml tularin (vi khuẩn đã chết) sau 24, 36, 48 giờ đọc kết quả. phản ứng (+) nếu có hiện tượng phù nề viêm. nếu chỉ xung huyết mà mất đi sau một ngày là (-).

Điều trị: Sử dụng kháng sinh doxycycline, amoxicillin, or cefuroxime axetil

4.2.2. Truyền mầm bệnh là vi rút

Bệnh viêm não vi rút do ve truyền [21]

Các bệnh viêm não vi rút do ve truyền: bệnh viêm não vi rút Viễn Đông (FE) do ve truyền (còn gọi là bệnh viêm não xuân-hạ Nga), thường có cơn động kinh cục bộ, liệt mềm và vài di chứng khác. Bệnh viêm não vi rút Trung Âu (CEE) do ve truyền (còn gọi là bệnh viêm não - màng não hai pha) là một bệnh nhẹ hơn nhưng tiến triển kéo dài hơn khoảng 3 tuần. Giai đoạn đầu có sốt với triệu chứng không liên quan đến thần kinh trung ương; giai đoạn hai có sốt cùng với triệu chứng viêm não – màng não kéo dài từ 4 đến 10 ngày sau khi hồi phục. Bệnh này ít tử vong và ít di chứng nặng so với bệnh FE. Bệnh viêm não vi rút Powassan (PE) cũng có bệnh cảnh lâm sàng tương tự nhưng tỷ lệ tử vong khoảng 10% và khoảng 50% số bệnh nhân khỏi bệnh có di chứng thần kinh. Bệnh Louping ở người cũng diễn biến kiểu hai pha và bệnh tương đối nhẹ.

Ca bệnh lâm sàng: Sốt cao 38-40⁰C; đau đầu, buồn nôn, nôn, co giật, cổ cứng; rối loạn ý thức, li bì, trạng thái sững sờ, mất định hướng, có cử động bất thường (run giật, múa vờn), hôn mê, nói chậm hoặc không nói được, liệt cứng hoặc liệt mềm; có ứ đọng nhiều đờm dãi.

Ca bệnh xác định: kết hợp triệu chứng lâm sàng:

- Xét nghiệm huyết thanh hoặc nước não tuỷ (+) bằng kỹ thuật MAC- ELISA để phát hiện IgM đặc hiệu.

- Phân lập vi rút viêm não (+) từ nước não tuỷ hoặc máu bệnh nhân trong thời kỳ cấp tính có sốt cao.

Tác nhân gây bệnh: Các vi rút trong nhóm Flaviviruses. Các vi rút trong nhóm Flaviviruses có dạng hình cầu, bộ gien của vi rút là RNA chuỗi đơn (+). Hạt vi rút có vỏ bọc glycoprotein với kích thước từ 40- 50 nm. Giữa các vi rút gây bệnh này có sự khác biệt nhỏ về tính kháng nguyên và những vi rút gây bệnh này đều có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Nguồn truyền nhiễm: ve và động vật có vú là ổ chứa vi rút gây bệnh (cừu, hươu, nai là vật chủ tiên phát của bệnh Louping; chim, loài gặm nhấm và các loài có vú nhỏ khác)

Phương thức lây truyền.: Bệnh lan truyền qua vết đốt của ve Ixodes persulcatus, Ixodes ricinus, Ixodes cookei.

Điều trị: Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu các bệnh viêm não vi rút do ve truyền. Bởi vậy, cần thiết phát hiện bệnh sớm và điều trị hồi sức cấp cứu sớm trong giai đoạn cấp tính để chống biến chứng, di chứng và giảm tử vong.

Sốt xuất huyết Crimean–Congo[19]

Bệnh này do một loài Nairovirus thuộc họ Bunyaviridae gây ra. Bệnh phổ biến ở Đông Âu và khắp các vùng Địa Trung Hải của Nam Âu, Trung Đông, Châu Phi, Tây Bắc Trung Quốc, Trung và Nam Á. Mầm bệnh được lan truyền từ các loài động vật nuôi và hoang dại sang người qua vết đốt của ve (giống Hyalomma). Nó cũng có thể lây lan giữa người qua dịch cơ thể

Triệu chứng: bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, sốt cao, đau lưng, đau khớp, đau bụng và nôn mửa. Có thể có đỏ bừng, mắt đỏ, đau họng và những đốm nhỏ màu đỏ gọi là petechiae trên vòm họng. Xuất huyết, chảy máu cam xảy ra sau một vài ngày và kéo dài trong vài tuần. Việc phục hồi chậm nhưng tỷ lệ tử vong có thể cao tới 50%.

Điều trị: vì đây là một căn bệnh do virus, nên việc điều trị phần lớn là hỗ trợ đặc biệt chú ý đến cân bằng điện giải. Vắc xin Ribavirin bất hoạt đã được sử dụng ở Đông Âu.

Sốt ve Colorado[19]

Bệnh này do một loài coltivirus, là thành viên của reoviruses. Sự phân bố vi rút này gần giống với véc tơ truyền bệnh của nó (Dermacentor andersoni), bệnh chỉ có ở vùng phía Tây của Mỹ và Canada và hay gặp nhất vào mùa ve (từ tháng 3 đến tháng 11). Sự lây truyền từ người sang người có thể xảy ra qua đường máu.

Triệu chứng: sốt xuất hiện đột ngột, sốt cao 38,9 - 40,60C, đôi khi có rét run. Bệnh nhân đau cơ nhiều, đau đầu, sợ ánh sáng, chán ăn, buồn nôn và nôn, mệt mỏi nhiều. Khám lâm sàng đôi khi có thể thấy một ban mờ nhạt. Sốt liên tục trong 3 ngày, sau đó sốt giảm đi trong vòng từ 1- 3 ngày, rồi lại tiếp tục sốt lại 2- 4 ngày. Trong trường hợp đặc biệt có thể sốt 3 đợt. Bệnh thường lành tính và tự khỏi.

Điều trị: Hiện nay chưa có điều trị đặc hiệu. Có thể dùng aspirin hoặc thuốc chống viêm không steroid khác hoặc codein hoặc hydrocodon để giảm đau.

4.2.3. Truyền mầm bệnh ký sinh trùng [19]

Bệnh Babesia

Đây là bệnh nhiễm ký sinh trùng babesia (một đơn bào giống như ký sinh trùng sốt rét). Bệnh này thường gây sốt, chứng huyết tán và đái ra huyết cầu tố.

Mầm bệnh: Babesia là một ký sinh trùng đơn bào trong máu. Hiện có hơn 100 loài Babesia được xác định; Tuy nhiên, chỉ có một số ít được trình bày như là bệnh sinh ở người. Tại Mỹ, Babesia microti là dòng thường gặp nhất có liên quan đến người, trong khi các loài khác thì nhiễm trên gia súc, gia cầm và đôi khi lên các vật nuôi gia đình.

Phương thức lan truyền: bệnh được lan truyền từ động vật sang người qua vết đốt của ve (Ixodes scapularis) và lan truyền qua đường truyền máu.

Triệu chứng lâm sàng: sốt không theo quy luật, rét run, nhức đầu, hôn mê hoặc ngủ lịm, mệt mỏi toàn thân, đau và suy nhược nặng. Một số ca nặng có dấu hiệu thiếu máu huyết tán, vàng da, thở nhanh, xuất hiện Hb niệu do tác động và ảnh hưởng của hiệu ứng tan máu do tăng sinh ký sinh trùng. Những cá nhân có đầy đủ miễn dịch và lách khỏe mạnh sẽ hồi phục mà không cần điều trị. Các biến chứng gia tăng từ nhiễm B. microti gồm có suy hô hấp cấp, suy tiêm sung huyết và suy thận, nhiễm trùng có thể dẫn đến tử vong từ 5-10% con số bệnh nhân nhập viện, và tăng nguy cơ tử vong lên trên nhóm đối tượng suy giảm miễn dịch, người già.

Chẩn đoán: huyết thanh học, miễn dịch huỳnh quang, xác định ký sinh trùng trên lam mỏng nhuộm Giemsa, hình ảnh nhìn thấy là "Maltese cross” trên lam máu giọt mỏng.

Điều trị: Sử dụng kháng sinh clindamycin cộng với quinin hoặc atovaquone cộng với azithromycin.

Hình 9.12. Chu trình dịch tễ học của bệnh Babesia

5. BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG VE

- Điều tra giám sát: thu thập mẫu vật để xác định nơi ở của ve, nơi cần phòng chống.

- Quản lý thảm thực vật và vật chủ: dùng những biện pháp vật lí ,hóa học để giảm bớt và cách ly ổ của ve; di chuyển hoặc ngăn chặn vật chủ không cho tiếp xúc với ve.

- Phòng chống bằng hóa học có mục tiêu sử dụng hóa chất diệt côn trùng để phòng chống ve nhằm vào nơi ở và vật chủ của ve:

  • Diệt ve trên động vật nuôi: ve có thể đốt người, truyền bệnh cho người và động vật, xử lý hóa chất diệt trực tiếp trên cơ thể của những động vật này dưới các dạng rắc bột, phun tắm nước có thể rất hiệu quả. Diệt ve trên gia súc, chuồng gia súc (trâu bò ngựa...) dùng hóa chất diệt côn trùng như: malathion (5%) dichlovos (0,1%) carbaryl (1%) dioxathion (0.5%), naled (0,2%), coumaphos (1%) để tắm gội hoặc phun cho gia súc; dùng bột malathion (5%) carbyl (5%)commaphos (0.5%), tricholophon (1%), để rắc vào chuồng gia súc; phun tồn lưu đúng hóa chất dưới dạng dung dịch dầu hoặc như tương như propoxur (1%), bendiocarb(0,25 – 0.48%), pirimiphos methyl (1%), diazinon (0,5%) malathion ( 2%) carbaryl (5%), chlopyriphos (0,5%), phun sương nhóm phos pho hữu cơ: carbamate và pyethroids, dùng vòng đeo cổ có tẩm dichlorvos (20%), propetamphos (10%) , pemethrin (11%), cho chó và mèo.

  • Phun hóa chất vào nền nhà, cổng, hành lang, củi chó mà những địa điểm khác mà gia súc ngủ. Cần chú ý đặc biệt đến nơi trú ẩn của ve trong các khe tường sàn nhà và đồ đạc.

Biện pháp phòng hộ cá nhân chống ve đốt:

  • Trang bị cá nhân gồm có liền quần áo, cổ tay áo và gối quần đều có chun, tất dày mủ chống ve khi vào rừng. Mặc quần áo có tẩm thuốc diệt côn trùng như: permathrin, Cyfuthrin. Dùng hóa chất xua côn trùng như DEP, DMP, DETA...bôi lên chổ da hở, lên quần áo.

  • Không ngồi trực tiếp xuống đất, cỏ ...

  • Khi lao động hoặc đi qua nơi có ve hoạt động, định kỳ khoảng 50 phút 1 lần cần nghỉ để bắt ve trên cơ thể, quần áo, tốt nhất là 2 người kiểm tra cho nhau.

- Khi đã bị ve đốt, cần phải lấy ve ra càng sớm càng tốt, có thể lấy ve ra bằng cách kéo từ từ nhưng kiên trì chắc chắn hoặc nhẹ nhàng lấy kim châm hoặc đốt vào thân ve để ve tự nhả ra, tránh dứt mạnh làm đầu giả của ve bị đứt lại trong da gây viêm đau.

6. PHƯƠNG PHÁP THU THẬP, ĐIỀU TRA

Bắt ve trên vật chủ gia súc, gia cầm: Dùng kẹp nhỏ để bắt ve, quan sát kỹ những vùng da mỏng ít lông như vùng háng, kẽ chân, tai, hốc mũi, mi mắt, mào bỏ vào tuýp, ghi nhãn, vào sổ (nếu ve no máu để tiêu hết máu mới ngâm bảo quản trong cồn ethylic 700).

7. HÌNH ẢNH MỘT SỐ LOÀI VE

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Văn Châu, Đỗ Thị Hiền, Nguyễn Thị Kha, Phùng Xuân Bích, Nguyễn Thị Bích Liên, Nguyễn Thị Hương Bình, Lê Anh Thơ, Lê Tấn Kiệt. (2008), “Kết quả điều tra chân đốt y học tại khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ”. Tạp chí phòng chống bệnh sốt rét và các bệnh ký sinh trùng. 3, Tr. 61-68.

  2. Nguyễn Văn Châu, Lê Thành Đồng, Nguyễn Thị Bích Liên, Phùng Xuân Bích, Bùi Thị Ánh Sáng, Mai Văn Thắng (2011), “Thành phần loài động vật chân đốt y học và độ nhạy cảm với hóa chất diệt côn trùng của véc tơ sốt xuất huyết tại Huyện đảo Phú Quốc - Kiên Giang”. Kỹ yếu công trình nghiên cứu khoa học, Nhà xuất bản Y học, Tr. 215 - 221.

  3. Nguyễn Văn Châu. (2017), “Các loài động vật chân đốt ký sinh đã phát hiện ở Việt Nam”. Hội nghị côn trùng toàn quốc, lần thứ 9, Tr. 770 - 782.

  4. Vũ Đức Chính, Hồ Đình Trung, Nguyễn Đức Mạnh, Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Thị Bạch Ngọc, Nguyễn Thị Kha, Trần Nguyên Hùng, Nguyễn Mạnh Hùng, Võ Việt Dũng, Bảo Bôn (2006), Kết quả điều tra đa dạng tiết túc y học tại Côn Đảo. Tạp chí phòng chống bệnh sốt rét và các bệnh ký sinh trùng. 4, Tr. 66-74.

  5. Phan Trọng Cung, Đoàn Văn Thụ và cs (2001). Bộ Ve Vét - Acarina, Động vật chí Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, Tập 11, 405.

  6. Lê Thành Đồng, Trần Nguyên Hùng, Trần Thị Kim Hoa, Mai Đình Thắng, Đoàn Bình Minh. (2015), “Nghiên cứu thành phần loài và phân bố một số nhóm ngoại ký sinh tại một số điểm”. Tạp chí Y học dự phòng, số đặc biệt, Tr. 289-298.

  7. Lê Thành Đồng và cộng sự 2018, Xác định thành phần loài, sự lưu hành tác nhân gây bệnh và đề xuất quy trình giám sát một số loài chân đốt y học ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng

  8. Alberto .A. Guglielmone, Alberto A. Guglielmone, Richard G. Robbins, Dmitry A. Apanaskevich, Trevor N. Petney, Agustín Estrada-Peña, Ivan G. Horak, Renfu Shao, & Stephen C. Barker. (2010), “The Argasidae, Ixodidae and Nuttalliellidae (Acari: Ixodida) of the world: a list of valid species names”. Magnolia Press. Zootaxa. 2528, Tr. 1-28.

  9. http://plantanswers.com/Articles/TickEggs.asp

  10. hhttps://stevedalepetworld.com/blog/lone-star-ticks-cause-meat-allergies-people/ttps://www.tickbites.net/tick-larvae-second-stage-of-the-life-cycle/

  11. http://www.thepinsta.com/lone-star-tick-one-bite-could-mean-a-red-meat-allergy_E47sMc2EUddcF75q6ja0WkgWj1uaoTG6AMW|sEdagBva0sO7iBmiHeFtH|YqZDSTnN4S1JJgLA1YwmXuj0s5iQ/NZBfFex1KhqDFDu7FzDuPBafbPS|jijMIuYmlxxTlfA6Q*Nh3Z|I*2AORpL805XQyI97GjNy|x4I4s4CIjTWBmBAA19dyucYMcWrkpPrU*YMbHcfUmJj8WhuQEn4OZbA/

  12. https://www.naturamediterraneo.com/forum/topic.asp?TOPIC_ID=66776&whichpage=2

  13. https://secure.caes.uga.edu/extension/publications/files/pdf/C%20937_2.PDF

  14. http://tickapp.tamu.edu/tickbiology.html

  15. https://tickencounter.org/tick_identification/tick_growth_comparison

  16. https://slideplayer.com/slide/4438861/

  17. http://vncdc.gov.vn/vi/danh-muc-benh-truyen-nhiem/1122/benh-sot-do-rich-ket-si-a

  18. https://www.cdc.gov/ticks/life_cycle_and_hosts.html

  19. http://www.microbiologybook.org/parasitology/ticks.htm

  20. http://www.benhhoc.com/bai/1640-Benh-Lyme-borreliosis.html

  21. http://www.benhhoc.com/bai/1639-Benh-Tularemia.html

  22. http://vncdc.gov.vn/vi/danh-muc-benh-truyen-nhiem/1104/benh-viem-nao-vi-rut

  23. http://www.bristoluniversitytickid.uk/page/Rhipicephalus+sanguineus/30/#.W7oRohExVVc

  24. http://www.bristoluniversitytickid.uk/page/Rhipicephalus+bursa/29/#.W7oTOxExVVc

  25. http://www.afrivip.org/sites/default/files/Ticks-importance/rhipicephalus.html

  26. http://www.icb.usp.br/~marcelcp/Boophilus.htm

  27. http://www.bristoluniversitytickid.uk/page/Ixodes+ricinus/26/#.W7obnRExVVc

  28. http://www.bristoluniversitytickid.uk/page/Ixodes+persulcatus/25/#.W7ohJBExVVc

  29. http://www.bristoluniversitytickid.uk/page/Dermacentor+marginatus/13/#.W7oftBExVVc

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,