MUỖI ANOPHELES

1. VỊ TRÍ PHÂN LOẠI

Giới

Động vật

Ngành

Chân khớp

Lớp

Côn trùng

Bộ

Hai cánh

Họ

Culicidae

Giống

Anopheles

2. THÀNH PHẦN LOÀI VÀ PHÂN BỐ

2.1. Trên thế giới

Năm 1818, Johann Wilhelm Meigen đã xác định Anopheles là một giống của muỗi. Giống Anopheles ít được quan tâm nghiên cứu cho tới khi phát hiện được vai trò truyền bệnh giun chỉ và ký sinh trùng sốt rét ở hai thập niên cuối của thế kỹ XIX. Hiện nay đã ghi nhận có 465 loài Anopheles thuộc 7 phân giống: Anopheles (khắp thế giới, 182 loài), Baimaia (khu vực phương Đông, 1 loài), Cellia (thế giới cũ, 220 loài), Kerteszia (Nam Mỹ, 12 loài), Lophopodomyia (Nam Mỹ, 6 loài), Nyssorhynchus (Nam Mỹ, 39 loài) và Stethomyia (Nam Mỹ, 5 loài). Các loài Anopheles thuộc bốn phân giống Anopheles, Cellia, Kerteszia và Nyssorhynchus, là những loài có vai trò truyền ký sinh trùng sốt rét [4].

Muỗi Anopheles phân bố rộng khắp trên thế giới, các loài khác nhau có vùng phân bố khác nhau. Sự phân bố của muỗi phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên và xã hội. Có loài ưa sống gần người, ưa trú đậu trong nhà, nhưng có loài ưa sống trong rừng, sự thay đổi sinh cảnh rừng có ảnh hưởng đến sự phát triển cùa các quẩn thể muỗi. Ở những khu vực trước đây còn rừng bao phủ những loài ưa rừng đã phát triển rất mạnh khi rừng bị khai thác, tàn phá thu hẹp diện tích sẽ không còn điều kiện thích hợp cho một số loài muỗi làm cho sự phân bố của chúng cũng bị thu hẹp lại [2].

Phân bố các loài véc tơ chính truyền bệnh sốt rết trên thế giới [13]:

  • Anopheles gambiae s.s (senso stricto): là véc tơ chính truyền bệnh sốt rét vùng cận Sahara châu Phi. Là một trong 7 phức họp loài Anopheles gambiae

  • Anopheles arabiensis: là một trong bảy phức hợp loài An. gambiae, và là một trong những véc tơ quan trọng nhất của bệnh sốt rét ở Sahara châu Phi.

  • Anopheles melas: thuộc phức hợp loài của Anopheles gambiae. Đây là loài véc tơ truyền bệnh sốt rét quan trọng ở vùng duyên hải miền Tây châu Phi.

  • Anopheles merus: thuộc phức hợp loài của Anopheles gambiae. Đây là loài véc tơ truyền bệnh quan trọng ở dọc bờ biển miền Đông và miền Nam châu Phi.

  • Anopheles quadriannulatus A: thuộc phức hợp loài của Anopheles gambiae. Loài này phân bố ở miền nam châu Phi và không phải là véc tơ truyền bệnh sốt rét.

  • Anopheles coluzzii: trước đây được xem là một trong bảy phức hợp loài Anopheles gambiae (Anopheles gambiae M), và được xem là một loài riêng biệt vào năm 2013.

  • Anopheles christyi: không phải là véc tơ truyền bệnh sốt rét nhưng là một loài liên quan chặt chẽ với phức hợp Anopheles gambiae.

  • Anopheles stephensi: phân bố ở miền Nam châu Á, từ lục địa Ấn Độ mở rộng về phía Tây qua Iran và Iraq vào Trung Đông và Bán đảo Ả Rập ở phía Đông Bangladesh, miền nam Trung Quốc, Myanmar và Thái Lan. Anopheles stephensi là một véc tơ chính truyền bệnh sốt rét ở Ấn Độ và Vịnh Ba Tư.

  • Anopheles albimanus: là một trong những véc tơ chính truyền bệnh sốt rét ở miền Nam Mexico, Trung Mỹ, bắc Nam Mỹ và Caribê. Loài này cũng được tìm thấy ở bờ biển Đại Tây Dương.

  • Anopheles aquasalis: là véc tơ chính truyền bệnh sốt rét ở các vùng ven biển Nam và Trung Mỹ.

  • Anopheles atroparvus: Là một dạng phức hợp loài của An. maculipennis. Anopheles atroparvus phân bố ở phía bắc và tây Âu, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và miền bắc Italy và là một trong những véc tơ truyền bệnh sốt rét chính ở châu Âu.

  • Anopheles darlingi: Là một trong những véc tơ truyền bệnh sốt rét quan trọng nhất ở Mexico, Trung và Nam Mỹ.

  • Anopheles culicifacies A: Là một trong năm phức hợp loài của loài An. culicifacies. Loài này được tìm thấy ở Campuchia, Trung Quốc, Ethiopia, Nepal, Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Iran và Pakistan, và Anopheles culicifacies A là một véc tơ truyền bệnh sốt rét ở Ấn Độ, Iran và Pakistan

  • Anopheles dirus: phức hợp loài Anopheles dirus bao gồm các loài không phải phải véc tơ truyền bệnh sốt rét và các loài là véc tơ truyền bệnh sốt rét. Anopheles dirus (trước đây là loài An. dirus A) phân bố ở Đông Á (Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam và đảo Hải Nam ở Trung Quốc) và được coi là một véc tơ chính truyền bệnh sốt rét.

  • Anopheles epiroticus: phức hợp loài Anopheles sundaicus bao gồm Anopheles epiroticus (trước đây là An. sundaicus A), là một véc tơ truyền bệnh sốt rét ở Campuchia, bán đảo Malaysia, Sarawak, Thái Lan và Việt Nam.

  • Anopheles farauti s.s (sensu stricto): là một trong bảy phức hợp loài của An. farauti (trước đây là An. farauti 1). Đây là véc tơ truyền bệnh sốt rét ở Moluccas (Indonesia) và mở rộng về phía Đông qua Papua New Guinea (quần đảo Admiralty và quần đảo Bismarck), quần đảo Solomon, New Hebrides (Vanuatu) và Australia.

  • Anopheles freeborni: phân bố ở miền tây Canada và ở Hoa Kỳ. Đây là loài véc tơ truyền bệnh sốt rét chính ở miền Tây nước Mỹ.

  • Anopheles funestus: phân bố địa lý rộng. Đây là loài véc tơ chính truyền bệnh sốt rét rộng khắp châu Phi.

  • Anopheles koliensis: là một dạng phức hợp loài của Anopheles punctulatus và phân bố khắp vùng Tây Thái Bình Dương như Indonesia, đảo Papua, Papua New Guinea và quần đảo Solomon. An. koliensis là vec tơ chính truyền sốt rét và giun chỉ bạch huyết.

  • Anopheles maculatus: phức hợp loài Anopheles maculatus là các véc tơ truyền bệnh sốt rét quan trọng chúng phân bố từ tiểu lục địa Ấn Độ qua Đông Nam Á đến Đài Loan. Anopheles maculatus B là một thành viên của phức hợp này.

  • Anopheles minumus s.s (sensu stricto): trước đây là An. minimus A, là một dạng phức hợp loài của Anopheles minimus. Phân bố ở phía bắc Ấn Độ về phía Đông qua Việt Nam và phía Bắc qua miền Nam Trung Quốc, bao gồm Đài Loan. Loài Anopheles minumus s.s là một trong những véc tơ chính truyền bệnh sốt rét ở Đông Nam Á.

  • Anopheles nili: phân bố khắp vùng cận Sahara châu Phi và là một véc tơ chính truyền bệnh sốt rét ở Tây Phi.

  • Anopheles punctulatus: thuộc phức hợp loài của Anopheles punctulatus. Loài này phân bố khắp vùng Tây Thái Bình Dương như Úc, Indonesia, New Guinea (Đảo) - Papua New Guinea và Quần đảo Solomon. An. punctulatus là một vec tơ chính truyền bệnh sốt rét và giun chỉ bạch huyết ở khu vực này.

  • Anopheles quadrimaculatus: thuộc nhóm Maculipennis và nhóm phụ Quadrimaculatus. Phân bố ở nửa phía Đông của Hoa Kỳ, Đông Nam Canada và đông bắc Mexico. An. quadrimaculatus có khả khả năng truyền bệnh sốt rét ở Hoa Kỳ.

  • Anopheles sinensis: được xem là một véc tơ truyền bệnh sốt rét do loài P.vivax ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Loài này phân bố phổ biến trên khắp Đông Nam Á từ Pakistan đến Nhật Bản và xa về phía nam như Thái Lan và Indonesia.

2.2. Việt Nam

Theo thống kê của Nguyễn Văn Dũng và cộng sự, 2015 [1]. Ở Việt Nam có 64 loài thuộc 2 phân giống:

Anopheles (Anopheles): An.aberrans, An.alongensis, An.argyropus, An.asiaticus, An. baezai, An.baileyi, An.barbirostris, An.barbumbrosus, An.bengalensis, An. campestris, An.cucphuongensis, An.crawfordi, An.dangi, An.donaldi, An. gigas, An.insulaeflorum, An.interruptus, An.lesteri, An.letifer, An.lindesayi, An. monstrosus, An.nigerrimus, An.nimpe, An.nitidus, An.palmatus, An.paraliae, An.peditaeniatus, An. pursati, An.separatus, An.sinensis, An. sintonoides, An.umbrosus, An.vietnamensis, An. whartoni

Anopheles (Cellia): An.aconitus, An. annularis, An. culicifacies, An. dirus, An. dravidicus, An. epiropticus, An. harrisoni, An. indefinitus, An. jamesii, An. jeyporiensis, An.karwari, An. kochi, An. maculatus, An.minimus, An.nivipes, An. notanandai, An. pampanai, An. philippinensis, An. pseudojamesi, An. pseudowillmori, An. sawadwongporni, An. splendidus, An.stephensi, An.subpictus, An.rampae, An. takasagoensis, An.tessellatus, An. vagus, An. varuna, An. willmori

Tuy nhiên, số loài có khả năng truyền bệnh được coi là véc tơ sốt rét chỉ khoảng 15 loài. Trong số đó, ngoài những véc tơ chính và phụ đã được xác định còn bao gồm cả những loài muỗi chỉ nghi ngờ là véc tơ. Các tác giả thường dựa vào các yếu tố như sự có mặt của loài muỗi nào đó với mật độ cao trong các vụ dịch hoặc thời điểm bệnh lưu hành cao trong cộng đồng và tập tính ưa đốt máu người cao để xếp một số loài muỗi Anopheles là những véc tơ nghi ngờ [2].

2.3. Khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng

Theo nghiên cứu của Lê Thành Đồng, 2013 [3]. Phân bố véc tơ sốt rét ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng giai đoạn 2003 – 2013. Tại khu vực Nam Bộ – Lâm Đồng có 42 loài Anopheles: An. aconitus, An. annularis, An. argyropus, An. barbirostris, An. barbumbrosus, An. bengalensis, An. campestris, An. crowfordi, An. dangi, An. dirus, An. dravidicus, An. epiroticus, An. gigas, An. hycanus, An. indefinitus, An. jamesi, An. jeyporiensis, An. karwari, An. kochi, An. lesteri, An. letifer, An. maculatus, An. minimus, An. montrosus, An. nigerrimus, An. nimpe, An. nitidus, An. nivipes, An. pampanai, An. pedifinitus, An. peditaenitus, An. philippinensis, An. pursati, An. sawadwongporni, An. separatus, An. sinensis, An. splendidus, An. subpictus, An. tessellatus, An. umbrosus, An. vagus, An. Whartoni.

Trong đó có 3 loài véc tơ chính truyền bệnh sốt rét ở Việt Nam:

  • An. dirus

  • An. minimus

  • An. epiroticus.

3. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC

3.1. Đặc điểm hình thể

3.1.1. Trứng:

Hình 1.1. Hình thể trứng muỗi Anopheles [6]

Trứng được đẻ từng quả rời rạc, bao gồm khoang trứng chứa noãn và hai phao trứng hai bên giúp trứng nổi trên mặt nước.

3.1.2. Bọ gậy:

Hình 1.2.Hình thể bọ gậy Anopheles [7]

Cấu tạo gồm ba phần: phần đầu có mắt, miệng và các phần phụ, phần ngực có ba đốt, phần bụng có mười đốt (hai đốt cuối biến đổi khác thường), đốt cuối có lỗ thở (không có ống thở) giúp bọ gậy lấy ôxy trong không khí. Khi bọ gậy nổi trên mặt nước luôn ở tư thể nằm ngang trên mặt nước đây là đặc điểm dễ nhận biết sự khác biệt so với bọ gậy các giống muỗi khác

3.1.3. Nhộng (Quăng):

Hình 1.3. Hình thể nhộng của Anopheles [8]

Hình dấu hỏi gồm hai phần, phần đầu ngực dính liền với bao cánh ở trên đầu có hai ổng thở hình phễu, phần bụng gồm mười đốt, đốt cuốỉ biến đổi thành bánh lái

3.1.4. Muỗi trưởng thành:

Hình 1.4.Hình thể muỗi Anopheles trưởng thành [9]

Có cấu tạo gồm 3 phần: phần đầu mang đôi mắt kép, vòi có cấu tạo kiểu chích hút, một đôi râu và một đôi pan. Phần ngực có ba đốt, đốt ngực trước mang một đôi cánh mỏng, trên cánh có các gân dọc và ngang, mỗi đốt mang một đôi chân, chân được cấu tạo gồm đốt đùi, cẳng và năm đốt bàn, cuối đốt bàn. Muỗi Anopheles trưởng thành khác các loài muỗi thuộc các giống Culex, Aedes, Mansonia... ở một số đặc điểm chính như chiều dài của pan bằng chiều dài của vòi, trên cánh muỗi có các vảy đen trắng, muỗi đậu chếch một góc 45° so với giá thể, trừ Anopheles culicifacies, một loài truyền bệnh ở Nam Á là một ngoại lệ có tư thế đậu thân gần như song song với giá thể, nhìn gần giống như muỗi Culex. Đặc điểm phân biệt giữa muỗi đực và muỗi cái rõ nhất có thể quan sát được bằng mắt thường là đôi râu của muỗi đực có các nhánh dài, rậm hình phất trần, muỗi cái có các nhánh thưa

3.2. Vòng đời phát triển

Muỗi nói chung và muỗi Anopheles nói riêng là côn trùng biến thái hoàn toàn trải qua bốn giai đoạn: trứng, bọ gậy, quăng là giai đoạn ở dưới nưóc và muỗi trưởng thành ở trên cạn. Mỗi vùng địa lý có phân bố các loài muỗi khác nhau, có tập tính khác nhau và có khả năng truyền bệnh khác nhau.

Hình 1.5.Vòng đời phát triển của mỗi Anopheles [10]

Sự giao hoan của muỗi là đặc điểm quan trọng trong sự sinh sản, thời gian giao hoan thường xảy ra vào các thời điểm hoàng hôn hoặc bình minh. Trong quá trình giao hoan, những cá thể muỗi sẽ tự tập thành đàn để các cá thể muỗi đực và muỗi cái sẽ cặp đôi giao phối. Cả đời muỗi đực chỉ giao phối một lần rồi chết sau đó 1 vài ngày, muỗi cái cũng chỉ một lần giao phối nhưng tinh trùng được giữ lại trong túi chứa tinh để thụ tinh cho nhiều lứa trứng. Muỗi Anopheles chỉ phát triển trứng khi hút được máu ít nhất một lần, tùy theo lượng máu hút được nhiều hay ít sẽ quyết định phát triển số lượng trứng.

Ở vùng nhiệt đới, trứng sau khi được muỗi đẻ xuống nước khoảng sau 2- 3 ngày nở thành bọ gậy, thời gian từ khi trứng nở tới khi muỗi trưởng thành khoảng 11-13 ngày.

Bọ gậy và lăng quăng muỗi sống được ở nhiệt độ nước từ 10 đến 40oC. Thời gian phát triển từ trứng đến muỗi trưởng thành ở nhiệt độ 20oC là 28 ngày và ở nhiệt độ 31oC là 7 ngày. Bọ gậy ăn các chất hữu cơ và vi sinh vật trong môi trường lớn dần lên bằng cách lột xác từ tuổi I thành tuổi II, tuổi III và tuổi IV trước khi nở thành quăng. Nơi cư trú của bọ gậy thay đổi theo từng loài, nhưng đa số chúng thích nơi cỏ ánh sáng mặt trời, nước đọng hay chảy chậm, hai bên bờ có cây cỏ, rong rêu.

Quăng không ăn, nhưng thường xuyên bơi lặn rất năng động, sau 2-3 ngày biến đổi bên trong và lột xác thành muỗi trưởng thành trên mặt nước. Muỗi trưởng thành chỉ có muỗi cái mới hút máu người và động vật, muỗi đực chỉ hút nước, các hidratcarbon trong tự nhiên. Đa số muỗi Anopheles hoạt động tìm mồi ban đêm, giờ hoạt động cao điểm trong đêm tùy theo loài, tùy theo điều kiện thời tiết cụ thể của đêm. Sự ưa thích vật chủ cũng khác nhau ở các loài khác nhau, có loài ưa đốt người, có loài ưa đốt động vật khác, có loài đốt cả người và động vật nhưng tỷ lệ đốt người và gia súc cũng tùy thuộc vào loài và tùy thuộc vào từng địa phương.

3.3. Tập tính

Sự sinh sản của muỗi Anopheles phụ thuộc vào các thủy vực hay điểm nước như vũng nước, ao hồ, ruộng nước, suối, khe, giếng nước... có mặt tự nhiên hoặc do con người tạo ra. Tuổi thọ của muỗi trưởng thành cũng phụ thuộc vào nhiệt độ của môi trường. Trung bình muỗi cái sống được từ 3 đến 4 tuần, muỗi đực chỉ sống khoảng vài ngày. Mỗi loại muỗi có những yêu cầu về nhiệt độ sinh trưởng khác nhau. Độ ẩm của môi trường tương đối thích hợp để muỗi sinh trưởng là trên 50%, nếu độ ẩm dưới 50% thì chúng thường bị chết. Để có được nhiệt độ và ẩm độ phù hợp, muỗi Anopheles chọn chỗ trú đậu ở những nơi có khí hậu thuận lợi. Muỗi Anopheles đực không hút máu người và các loại động vật nên không có vai trò truyền bệnh. Trái lại, muỗi Anopheles cái có nhiệm vụ sinh sản nên cần phải hút máu người và các loại động vật để thực hiện được chức năng này, đồng thời có vai trò truyền bệnh; chúng có nhịp sống khá đều đặn, trú ẩn ở những nơi thích hợp [2].

Sau khi giao phối với muỗi đực, muỗi cái tìm mồi là người và các loại động vật để chích đốt máu, thường vào khoảng thời gian ban đêm rồi đậu nghỉ lại ở một chỗ thích hợp để tiêu máu và phát triển trứng. Khi trứng đã trưởng thành, muỗi cái bay đi tìm nơi để đẻ trứng cũng thường vào ban đêm; sau đó trở về lại nơi trú ẩn của chúng và bắt đầu một chu kỳ khác. Các nhà khoa học ghi nhận có một số loài muỗi Anopheles thích đốt máu người được gọi là có ái tính với người và một số loài muỗi Anopheles khác thích đốt máu súc vật. Thời gian muỗi bay đi tìm mồi để chích đốt máu cũng tùy từng loài như muỗi Anopheles minimus thích đốt máu người nhiều vào giữa đêm, còn muỗi Anopheles dirus thích đốt màu người từ nửa đêm về sáng. Tùy theo chỗ trú ẩn, các nhà khoa học đã xếp muỗi Anopheles theo loài muỗi ưa trú ẩn ở trong nhà và loài muỗi ưa trú ẩn ở ngoài nhà; đối với loài muỗi ưa trú ẩn ở trong nhà sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các loại hóa chất diệt côn trùng tác động khi thực hiện biện pháp phòng chống. Trên thực tế khả năng hoạt động khuếch tán của muỗi Anopheles trưởng thành có thể từ một vài Km đến vài chục Km nếu có điều kiện thuận gió và không có vật cản. Ngoài ra, muỗi Anopheles còn có thể hoạt động khuếch tán theo các phương tiện vận chuyển bằng đường sông như trú các bè nứa, tàu thuyền...; đường bộ như tàu hỏa, ô tô... và đường hàng không như máy bay [2].

Muỗi Anopheles hoạt động từ khi mặt trời lặn đến khi mặt trời mọc. Mỗi loài có một giờ đốt mồi cao điểm riêng, và cũng có sự biến đổi trong việc đốt mồi trong nhà hay ngoài nhà. Muỗi Anopheles bay vào nhà đốt mồi thường đậu lại trong nhà vài giờ sau khi đốt mồi. Sau đó, nó bay ra nơi nghỉ ngoài nhà, bụi cây, vũng chân loài gặm nhấm, khe, kẽ cây hoặc kẽ đất, các hốc dưới gầm cầu. Cũng có thể là muỗi nghỉ trong suốt thời gian cần thiết để tiêu máu và phát triển trứng. Muỗi thường nghỉ trong nhà ở những nơi khô hoặc thoáng gió khi còn những nơi trú ẩn an toàn ngoài nhà thường ít. Một khi trứng đã phát triển đầy đủ, muỗi có trứng rời khỏi nơi trú ẩn và bay tìm nơi đẻ thích hợp. Một số loài Anopheles đốt cả người và súc vật. Tuy nhiên, chúng khác nhau về mức độ thích đốt người hay súc vật. Một số loài chủ chủ yếu đốt súc vật, trong khi một số khác chỉ đốt người. Các loài đốt người là những loài truyền sốt rét nguy hiểm nhất [2].

Ở mỗi vùng sinh địa cảnh đều có một số loài muỗi đặc trưng riêng như vùng ven biển, đồng bằng, trung du, rừng núi. Ở mỗi mùa trong năm cũng có những quần thể muỗi hoạt động riêng nên thường được gọi là muỗi Anopheles mùa mưa và muỗi Anopheles mùa khô. Về mặt sinh học, muỗi Anopheles có những kẻ đối nghịch có thể tiêu diệt chúng nên các nhà khoa học đã lợi dụng kẻ đối nghịch này để tiêu diệt muỗi. Kẻ đối nghịch của bọ gậy muỗi Anopheles là một số vi khuẩn như Bacillus thuringiensis, Bacillus sphaericus...; một số loài giun và loài cá... Kẻ đối nghịch của muỗi Anopheles trưởng thành là loài dơi, thạch sùng, nhện... Các loại hóa chất diệt côn trùng ảnh hưởng đến bọ gậy muỗi và muỗi trưởng thành trong thời gian gần đây đang có xu hướng hạn chế hiệu quả, có nhiều loài muỗi Anopheles đã kháng lại với các loại hóa chất diệt; đây là một khó khăn kỹ thuật, gây trở ngại lớn trong việc thực hiện biện pháp phòng chống trung gian truyền bệnh của chương trình phòng chống sốt rét [2].

Các loài muỗi truyền bệnh sốt rét chính hoạt động ở các vùng sốt rét lưu hành gồm ba loài Anopheles minimus, Anopheles dirusAnopheles epiroticus [2]:

- Anopheles minimus hoạt động ở vùng đồi núi và rừng núi trên toàn quốc, phổ biến ở nơi có độ cao từ 200-800 mét và hiếm khi gặp ở độ cao trên 1.500 mét; chúng cũng có mặt tại một số địa phương vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Muỗi thích đốt máu người, tỷ lệ đốt máu thay đổi theo từng địa phương và phụ thuộc vào mức độ hiện diện của loài động vật khác như trâu, bò. Ở những vùng ít trâu, bò, muỗi có tỷ lệ đốt máu người cao hơn. Trước khi sử dụng hoá chất diệt côn trùng, muỗi được xác định ưa đốt máu người trong nhà nhưng sau một thời gian sử dụng hóa chất, tỷ lệ muỗi đốt máu người ở ngoài nhà tăng lên. Muỗi thường có hoạt động đốt máu người suốt đêm với đỉnh cao phổ biến từ 22 giờ đến 3 giờ sáng. Chúng thường có tập tính trú đậu trong nhà ở những nơi ưa thích như bề mặt tường vách, quần áo, dụng cụ treo trong nhà, phía sau tủ, gầm bàn, gầm giường, trên mái tranh ở những nhà có vách thấp. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ muỗi trú đậu ở ngoài nhà ban ngày tại các hốc cây, hốc đất nằm ven suối.

- Anopheles dirus trước đây được định loại là Anopheles balabacensis. Chúng phân bố hoạt động ở trong rừng và bìa rừng, đồng thời cũng có thể phát hiện ở các khu vực trồng cây công nghiệp và cây ăn quả. Ở trong rừng, muỗi chủ yếu đốt máu các loài linh trưởng như vượn, khỉ, đười ươi; khi có sự hiện diện của người thì chúng chuyển sang đốt máu người và loài muỗi này cũng được xem là loài ưa thích đốt máu người. Muỗi có tập tính đốt máu người cả trong nhà và ngoài nhà với tỷ lệ thay đổi theo từng địa phương. Hoạt động đốt máu người xảy ra suốt đêm và đỉnh hoạt động có thể thay đổi theo vùng và theo mùa. Ở nước ta các nhà khoa học ghi nhận hoạt động đốt máu người phổ biến từ 20 đến 24 giờ, tại một số địa phương có khoảng 85% bắt được muỗi trước 24 giờ và chỉ có 15% bắt được muỗi sau 24 giờ. Trên thực tế, hoạt đốt máu người sớm hơn của muỗi một phần nào đã hạn chế tác dụng của màn ngủ tẩm hóa chất vì có một tỷ lệ đáng kể muỗi đốt máu người trước khi đi ngủ, do đó, biện pháp dùng màn ngủ tẩm hóa chất không phát huy được hiệu quả tốt. Muỗi có tập tính trú đậu và tiêu máu ở ngoài nhà nên rất ít khi bắt được muỗi trú đậu trong nhà ngay cả khi việc bắt muỗi được tiến hành từ sáng sớm Do muỗi trú đậu ở ngoài nhà nên tác động của biện pháp phun tồn lưu hóa chất diệt côn trùng ở trong nhà thường rất hạn chế đối với chúng.

- Anopheles epiroticus trước đây được định loại là Anopheles sundaicus, chúng phân bố hoạt động ở vùng ven biển nước lợ từ Phan Thiết trở vào phía Nam. Muỗi đốt cả máu người và máu động vật, tính ưa thích đốt máu này thay đổi đáng kể theo từng vùng địa lý. Ở nước ta, chúng được các nhà khoa học xác định là loài muỗi ưa đốt máu người. Muỗi có tập tính đốt máu người cả trong nhà và ngoài nhà, hoạt động đốt máu người xảy ra suốt đêm, không có đỉnh cao rõ ràng. Chúng thường trú đậu và tiêu máu ở trong nhà ban ngày. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của hóa chất diệt côn trùng sử dụng trong phòng chống sốt rét nên có một tỷ lệ đáng kể muỗi chuyển ra trú ẩn ở ngoài nhà.

4. VAI TRÒ Y HỌC

Muỗi Anopheles là trung gian truyền bệnh sốt rét và giun chỉ bạch huyết.

4.1. Bệnh sốt rét

Bệnh sốt rét là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium gây nên. Bệnh lây theo đường máu, chủ yếu là do muỗi Anopheles truyền, biểu hiện lâm sàng điển hình: rét run, sốt, vã mồ hôi. Bệnh lưu hành địa phương có thể gây thành dịch. Bệnh sốt rét ở Việt Nam lây truyền quanh năm nhưng thường có một đến hai đỉnh mùa truyền bệnh [4].

Tác nhân gây bệnh: Có năm loài ký sinh trùng sốt rét gây bệnh sốt rét ở người, trong đó có bốn loài phổ biến là P. falciparum, P. vivax, P. malariaeP. ovale, loài thứ 5 là P. knowlesi là một loài ký sinh trùng sốt rét của khỉ truyền sang người [4].

Phương thức lây truyền: Bệnh sốt rét lây truyền qua đường máu. Có 4 phương thức lây truyền [12].

  • Do muỗi truyền: Là phương thức chủ yếu. Ở Việt Nam do ba loài véc tơ chính An. minimus, An. dirusAn. epiroticus.

  • Do truyền máu có nhiễm ký sinh trùng sốt rét.

  • Do mẹ truyền sang con qua nhau thai bị tổn thương (hiếm gặp).

  • Do tiêm chích: bơm tiêm dính máu có ký sinh trùng sốt rét, do tiêm chích ma tuý.

Định nghĩa trường hợp bệnh sốt rét [4]:

- Trường hợp bệnh sốt rét trong giai đoạn phòng chống

Trường hợp nghi ngờ: Người có sốt sống ở vùng sốt rét lưu hành hoặc người có sốt và có tiền sử sốt rét trong vòng 2 năm gần đây hoặc người có sốt, trở về từ vùng sốt rét lưu hành trong vòng 14 ngày.

Trường hợp bệnh sốt rét lâm sàng: phải có đủ bốn tiêu chuẩn:

  • Sốt: Có triệu chứng điển hình của cơn sốt rét: rét run, sốt và vã mồ hôi hoặc có triệu chứng không điển hình của cơn sốt rét: sốt không thành cơn, người bệnh thấy ớn lạnh, gai rét hoặc sốt cao liên tục, sốt dao động hoặc có sốt trong ba ngày gần đây.

  • Không tìm thấy các nguyên nhân gây sốt khác.

  • Đang ở hoặc đã đến vùng sốt rét lưu hành trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc có tiền sử mắc sốt rét trong vòng 2 năm gần đây.

  • Trong vòng 3 ngày đầu Điều trị bằng thuốc sốt rét có đáp ứng tốt.

Trường hợp bệnh sốt rét xác định: Là trường hợp có ký sinh trùng sốt rét trong máu được xác định bằng xét nghiệm lam máu nhuộm giêm-sa hoặc xét nghiệm chẩn đoán nhanh phát hiện kháng nguyên hoặc kỹ thuật PCR.

- Trường hợp bệnh sốt rét trong giai đoạn loại trừ

Trường hợp bệnh sốt rét xác định trong giai đoạn loại trừ: là trường hợp có ký sinh trùng sốt rét trong máu được xác định bằng xét nghiệm lam máu nhuộm giêm sa hoặc kỹ thuật PCR.

Trường hợp bệnh sốt rét nội địa: Là trường hợp sốt rét xác định, lây nhiễm tại xã/phường, không có bằng chứng nào liên quan trực tiếp đến trường hợp sốt rét ngoại lai.

Trường hợp bệnh sốt rét ngoại lai: là trường hợp sốt rét xác định, lây nhiễm từ nơi khác về xã/phường.

Trường hợp bệnh sốt rét thứ truyền: là trường hợp sốt rét xác định, lây nhiễm tại chỗ từ trường hợp sốt rét ngoại lai.

Trường hợp bệnh sốt rét tái phát xa: là trường hợp sốt rét xác định, có tiền sử nhiễm sốt rét P. vivax hoặc P. ovale trong vòng 3 năm, không có tiền sử dịch tễ liên quan với lây truyền ký sinh trùng sốt rét từ bên ngoài.

Trường hợp bệnh sốt rét ác tính: là trường hợp bệnh sốt rét xác định có biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh, sốt rét ác tính thường xảy ra trên những người bệnh nhiễm P. falciparum hoặc nhiễm phối hợp có P. falciparum. Các trường hợp nhiễm P. vivaxP. knowlesi cũng có thể gây sốt rét ác tính, đặc biệt ở các vùng kháng với chloroquin.

Trường hợp tử vong do sốt rét: là trường hợp tử vong có xác định KST sốt rét.

Điều trị: thực hiện theo Hướng dẫn chẩn đoán và Điều trị bệnh sốt rét được ban hành kèm theo Quyết định số 3232/QĐ-BYT ngày 30/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Hình 1.6. Chu trình dịch tễ học của bệnh sốt rét do Plasmodium [11]

Chu kỳ phát triển ký sinh trùng sốt rét: gồm hai giai đoạn, giai đoạn sinh sản vô tính ở cơ thể người và giai đoạn sinh sản hữu tính trong cơ thể muỗi.

Ký sinh trùng sốt rét được đưa vào cơ thể do loài muỗi mang mầm bệnh sốt rét, thuộc giống Anopheles. Ký sinh trùng xâm nhập vào gan qua đường máu và nhân lên tại đây. Trong thời gian ở gan, người bệnh không cẩm thấy bị bệnh. Sau khoảng 9 ngày hoặc lâu hơn, tùy theo từng loài, ký sinh trùng (giai đoạn phân liệt) vào máu, xâm nhập hồng cầu và lại nhân lên. Vài ngày sau sự xuất hiện triệu chứng đầu tiên, một số thể phân liệt phát triển thành giao bào, là giai đoạn giới tính của chu trình phát triển.

Muỗi Anopheles hút máu người có giao bào sẽ bị nhiễm và ký sinh trùng lại tiếp tục một giai đoạn sinh sản trong cơ thể muỗi, vào cuối chu kỳ này, một thế hệ mới ký sinh trùng, gọi là thoa trùng, đi đến tuyến nước bọt muỗi và ở đó cho tới khi muỗi đốt người và truyền thoa trùng cùng nước bọt muỗi và ở đó cho tới khi muỗi đốt người và truyền thoa trùng cùng nước bọt vào vật chủ mới. Thoa trùng sau đó di chuyển tới gan và chu kỳ được lập lại. Chu kỳ phát triển trong muỗi kéo dài từ 9 – 12 ngày.

Ngoài ra, bệnh sốt rét cũng có thể truyền một cách vô tình qua việc truyền máu có ký sinh trùng sốt rét, hoạch qua kim tiêm, ống tiêm bị nhiễm mầm bệnh. Trong khi mang thai, bào thai có thể bị nhiễm ký sinh trùng từ máu mẹ (truyền qua đường nhau thai).

4.2. Bệnh giun chỉ hệ bạch huyết

Xem bài muỗi Culex (Bài 3.)

5. BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG

Từ khi Ronald Ross (1897) phát hiện bệnh sốt rét là do muỗi Anopheles truyền, việc phòng chống bệnh sốt rét không chỉ dừng lại ở điều trị bệnh nhân mà có thêm một biện pháp quan trọng nữa là phòng chống muỗi đốt nhằm hạn chế sự lan truyền. Để xác định được loài muỗi có khả năng truyền bệnh sốt rét cũng như để tìm các biện pháp phòng chống thích hợp, hiệu quả, cần nghiên cứu các đặc điểm sinh học, sinh thái học, phân bố của muỗi [2].

Các biện pháp phòng chống được áp dụng nhằm diệt muỗi hoặc bọ gậy làm giảm mật độ muỗi, hoặc xua muỗi, hay ngăn trở muỗi tiếp xúc với người để đạt được mục đích, yêu cầu cuối cùng là hạn chế khả năng truyền bệnh của véc tơ. Để làm được điều này phải dựa trên cơ sở hiểu biết về véc tơ và mối quan hệ tương tác giữa véc tơ với người. Các biện pháp can thiệp phải được xây dựng dựa trên những hiểu biết về đặc điểm sinh thái học, sinh học véc tơ (thành phần loài véc tơ, phân bố, khả năng truyền bệnh, mùa sinh sản và phát triển, các giai đoạn phát triển, các đặc điểm liên quan đến vai trò truyền bệnh và mùa truyền bệnh...) [2].

Chiến lược và biện pháp phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, từng quốc gia về tình hình bệnh tật, điều kiện kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực, mạng lưới chăm sóc bảo vệ sức khỏe... Do có nhiều loài véc tơ và mức độ nguy hiểm của các véc tơ cũng khác nhau, cho nên cần lựa chọn những biện pháp tập trung phòng chống những loài véc tơ chính. Để thực hiện được cho cộng đồng cần phải đạt được tính hiệu quả, tính khả thi, tính an toàn, tính kinh tế, đơn giản, dễ thực hiện và điều quan trọng là phải được cộng đồng chấp nhận [2].

Việc phòng chống muỗi nói chung và phòng chống véc tơ sốt rét nói riêng có thể can thiệp vào các giai đoạn phát triển của muỗi như bọ gậy, quăng hay muỗi trường thành. Có thể phân loại các biện pháp PCVT thành ba loại theo cơ chế tác dụng là vật lý, sinh học, hoá học [2].

5.1. Các biện pháp vật lý

Các biện pháp vật lý có từ cổ xưa, thông thường là các biện pháp thủ công đơn giản để xua và diệt muỗi, ngăn muỗi khó tiếp xúc đốt người dưới các hình thức cơ học. Những biện pháp được sử dụng lâu đời nhất như dùng các vật dụng đơn thuần để đập muỗi, xua đuổi muỗi bằng tay, quạt, cành lá, hun khói cho muỗi ra khỏi nhà, đóng kín cửa cho muỗi khỏi vào, mặc quần áo dài chống muỗi đốt... Các biện pháp mới hơn được áp dụng như làm lưới chắn muỗi cho nhà ở hoặc nằm màn tránh muỗi đốt. Trong những năm gần đây, việc sử dụng vợt tích điện hoặc một số loại bẫy để diệt muỗi trong các gia đình tương đối phổ biến. Sử dụng vợt tích điện dễ dàng diệt được những con muỗi đang bay. Nguyên lý cơ bản của các bẫy là sử dụng ánh sáng hoặc phối hợp ánh sáng với hóa chất để dụ muỗi vào bẫy. Các biện pháp cải tạo môi trường như phát quang bụi rậm để muỗi không có chỗ trú ẩn gần nhà, khơi thông cống rãnh để trôi bọ gậy, đổ dầu trên mặt cống rãnh cho bọ gậy không thở được, thả hạt xốp, bèo che mặt nước... [2].

Trong các biện pháp vật lý phòng chống véc tơ sốt rét thì nằm màn là biện pháp rất hữu hiệu, nhất là khi phối hợp với biện pháp hóa học là sử dụng màn tẩm hóa chất. Biện pháp dùng màn tẩm hóa chất đã tỏ ra nhiều ưu việt cả về khả năng hạn chế lan truyền, chi phí thấp, dễ triển khai và được cộng đồng chấp nhận [2].

5.2. Các biện pháp sinh học

Một số biện pháp sinh học được nghiên cứu và áp dụng như thả cá ăn bọ gậy, cá ăn thực vật thủy sinh phá ổ bọ gậy. Một số nghiên cứu ở trên thế giới và Việt Nam đã cho thấy một số loài cá có khả năng diệt bọ gậy như cá cờ, cá khổng tước...hay cá trắm cỏ ăn rong phá ổ đẻ của muỗi, phá nơi trủ ẩn của bọ gậy. Tuy nhiên, sự hạn chế của biện pháp thả cá là khó áp dụng, chỉ có thể áp dụng cho các thuỷ vực nước đứng [2].

Từ năm 1911 người ta đã phát hiện một số chủng vi khuẩn Bacilus có khả năng tiết độc tố diệt côn trùng, đến những năm 1950 thì những chế phẩm đầu tiên được sản xuất để bán trên thị trường. Biện pháp dùng chế phẩm Bacilus diệt bọ gậy được nghiên cứu và sử dụng nhiều nơi trên thế giới. Các bào tử của loại vi khnẩn này được sản xuất và thả xuống các thủy vực khi bọ gậy ăn phải vi khuẩn sẽ tiết ra độc tố gây bệnh đường tiêu hoá làm bọ gậy chết. Ở Việt Nam, vi khuẩn Bacilusthuringiensis đã được Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương nghiên cứu ứng dụng từ những năm 1980. Tuy nhiên, việc ứng dụng không được rộng rãi bởi những nhược điểm khi áp dụng biện pháp này như phạm vi có thể áp dụng hẹp chỉ phát huy tác dụng ở thủy vực nước đứng, hiệu lực diệt tồn lưu ngắn, giá thành cao... [2].

Ngoài nghiên cứu sử dụng Bacilus diệt bọ gậy, một số chủng nấm ký sinh phun trên tường vách đã gây bệnh và làm cho muỗi chết hơn 90% trong khoảng thời gian trước khi thoa trùng có thể chín. Đây cũng là một hướng nghiên cứu biện pháp thay thế cho sử dụng hóa chất nhất là cho những vùng hóa chất đã bị muỗi kháng cao [2].

Những nghiên cứu về thay đổi bộ gien ở muỗi như gây bất thụ hoặc làm giảm khả năng dung nạp hay kháng ký sinh trùng sốt rét. Tuy nhiên, muỗi chuyển gen này có khả năng thích nghi, sống sót và sinh sản kém, gene này sau 5 thế hệ thì bị đào thải khỏi quần thể nên chưa thể áp dụng trong thực tế [2].

5.3. Các biện pháp hóa học

Các biện pháp hóa học để diệt muỗi tỏ ra hiệu quả hơn cả, nên việc sử dụng hóa chất để phòng chống muỗi trưởng thành là biện pháp chính. Các hoá chất được sử dụng dưới nhiều hình thức như phun tồn lưu trong nhà ở, tẩm màn, tẩm rèm, tẩm tấm đắp hoặc khăn choàng, kem xua, hương xua, bình xịt... tùy theo điều kiện của từng địa phương, cá nhân mà người ta có thể áp dụng hình thức này hay hình thức khác, ở Việt Nam cũng như trên thế giới, phương thức sử dụng hóa chất để phòng chống véc tơ sốt rét bằng hình thức phun tồn lưu nhà ở và tẩm màn cho cộng đồng là phổ biến và đạt hiệu quà nhất [2].

Các biện pháp hóa học có thể được sử dụng để chống muỗi trưởng thành hoặc diệt bọ gậy. Một số hoá chất có thể được sử dụng thả trực tiếp xuống nước để diệt bọ gậy, do đó, có thể gây ô nhiễm môi trường nên việc sử dụng rất hạn chế. Một số hóa chất không độc với môi trường nhưng cũng có thể diệt được bọ gậy như Agnique MMF (mono molecular film) là một chế phẩm đã được nghiên cứu sử dụng, tác dụng diệt bọ gậy của hóa chất này dựa trên nguyên lý làm giảm sức căng bề mặt nước làm cho bọ gậy không giữ được lỗ thở nổi trên mặt nước được và sẽ bị chết do thiếu oxy. Tuy nhiên, việc sử dụng hóa chất này cũng rất hạn chế [2].

Các biện pháp hoá học chống muỗi trưởng thành đã chứng tỏ thế mạnh của chúng đã góp phần to lớn cho những thành công trong công tác phòng chống sốt rét ở nước ta cũng như trên thế giới. Một số nhóm hóa chất đã được sử dụng để phòng chống véc tơ sốt rét bao gồm clo hữu cơ, phốt pho hữu cơ, carbamat, pyrethroid. Hiện nay, trên thế giới, nhóm pyrethroid đang được sử dụng rộng rãi nhất, trong đó có Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc làm giảm mức độ lan truyền sốt rét trên toàn quốc. Hai hình thức cơ bản được áp dụng là phun tồn lưu trên tường và tẩm màn, ngoài ra một số hình thức bảo vệ cá nhân khác như hương xua- diệt, bình xịt, kem xua, tẩm rèm, màn, bọc võng, khăn choàng.., được áp dụng tùy điều kiện [2].

  • Biện pháp phun tồn lưu (Theo Quyết định số 741/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 02/3/2016 về việc hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét ) [4].

  • Biện pháp tẩm màn (Theo Quyết định số 741/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 02/3/2016 về việc hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét ) [4].

6. PHƯƠNG PHÁP THU THẬP, ĐIỀU TRA

Theo Quyết định số 741/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 02/3/2016 về việc hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét ) [4].

  • Bắt muỗi Anopheles trú đậu trong nhà ban ngày.

  • Bắt muỗi Anopheles đậu trong nhà ban đêm.

  • Bắt muỗi Anopheles đậu ngoài nhà ban ngày.

  • Bắt muỗi Anopheles ở chuồng gia súc ban đêm.

  • Bắt muỗi Anopheles bằng mồi người trong và ngoài nhà ban đêm.

  • Bắt muỗi Anopheles bằng bẫy màn.

  • Bắt muỗi Anopheles bằng bẫy đèn ở trong và ngoài nhà.

7. HÌNH ẢNH MỘT SỐ LOÀI MUỖI ANOPHELES

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Văn Dũng và cộng sự, 2015. Danh mục các loài muỗi ở Việt Nam. Hội nghị khoa học toàn quốc về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ 6.

  2. Trần Thanh Dương và cộng sự, 2015. Kỹ năng nhận biết và phòng chống côn trùng gây bệnh, gây hại. Viện Sốt rét - KST - CT Trung ương.

  3. Lê Thành Đồng và cộng sự, 2013. Phân bố véc tơ sốt rét ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng giai đoạn 2003 – 2013. Tạp chí phòng chống sốt rét và ký sinh trùng.

  4. Quyết đính số 741/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 02/3/2016 về việc hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét.

  5. http://scientistsagainstmalaria.net/vector/anopheles-vector

  6. https://biology02.weebly.com/anopheles-mosquito.html

  7. https://fmel.ifas.ufl.edu/fmel---mosquito-key/genera-and-species/genus-anopheles/anopheles-quadrimaculatus/

  8. https://www.flickr.com/photos/janhamrsky/16332797782

  9. https://www.flickr.com/photos/pennstatelive/12726880494

  10. http://www.biographix.cz/wp-content/uploads/2012/02/anopheles_life-cycle_mh.jpg

  11. https://mappingignorance.org/2016/07/21/fatal-attraction/

  12. http://vncdc.gov.vn/vi/danh-muc-benh-truyen-nhiem/1093/benh-sot-ret

  13. https://www.vectorbase.org/taxonomy/anopheles

  14. http://www.tm.nagasaki-u.ac.jp/medical/Photo%20Mosquitoes%20eng.htm

  15. https://map.ox.ac.uk/bionomics/anopheles-minimus/

  16. http://tabloidjubi.com/eng/49-children-suffer-dengue-in-merauke/

  17. http://www.tm.nagasaki-u.ac.jp/medical/Mosquito%20Photo/An_sinensis2.jpg

  18. http://www.tm.nagasaki-u.ac.jp/medical/Mosquito%20Photo/An.%20gambiae3.jpg

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,