Điểm tin y tế tuần 04

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Quy định việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh đột quỵ

Ngày 30/12/2016, Bộ Y tế ban hành Thông tư 47/2016/TT-BYT Quy định việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh đột quỵ trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, quy định về quy mô, nhân lực, trang thiết bị của đội đột quỵ như sau:

+ Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có dưới 100 người bệnh đột quỵ trong một năm thì thành lập đội đột quỵ.

+ Nhân lực của đội đột quỵ gồm tối thiểu 01 bác sĩ đa khoa được đào tạo và cấp giấy chứng nhận về đột quỵ, 01 điều dưỡng được tập huấn về đột quỵ.

+ Có đủ trang thiết bị thiết yếu theo danh mục trang thiết bị quy định tại phụ lục 02 kèm theo Thông tư này.

Ngoài ra, Thông tư này cũng quy định các điều kiện về quy mô, nhân lực và trang thiết bị đối với đơn vị đột quỵ, khoa đột qụy và trung tâm đột quỵ.

Thông tư 47/2016/TT-BYT có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2017.

2. Ban hành danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày

Ngày 30/12/2016, Bộ Y tế ban hành Thông tư 46/2016/TT-BYT về Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày. Theo đó, bãi bỏ Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày ban hành kèm Thông tư 14/2016/TT-BYT; đồng thời ban hành Danh mục mới, trong đó, bổ sung thêm nhiều loại bệnh, điển hình như:

+ Nhóm bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng: Tiêu chảy kéo dài, Viêm xoang, Uốn ván nặng và di chứng, Viêm gan do rượu…

+ Nhóm bệnh nội Tiết, dinh dưỡng và chuyển hóa: Hạ đường huyết nghi do cường Insulin, Đái tháo đường thai kỳ (nguy cơ dọa xảy thai, thai lưu nhiều lần)…

+ Nhóm bệnh hệ thần kinh: Liệt 2 chân hoặc liệt tứ chi, Viêm não viêm tủy và viêm não tủy, Đột quỵ không rõ nhồi máu não hay xuất huyết não…

Xem thêm chi tiết tại phụ lục Thông tư 46/2016/TT-BYT (có hiệu lực từ ngày 01/03/2017), Danh mục này liên quan trực tiếp đến chế độ ốm đau của người lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Bộ Y tế gặp mặt cán bộ hưu trí nhân dịp xuân Đinh Dậu

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong 2 ngày 19 và 21/01/2017 tại Hà Nội và TP. HCM, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt các đồng chí nguyên là Lãnh đạo của Bộ Y tế và các cán bộ đã nghỉ hưu, từng công tác tại các đơn vị chức năng thuộc Bộ Y tế qua các thời kỳ nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017.

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến gửi lời chúc các cán bộ hưu trí và gia đình sang năm mới dồi dào sức khỏe, tràn đầy hạnh phúc. Đồng thời, Bộ trưởng cũng báo cáo ngắn gọn về kết quả hoạt động của Bộ Y tế trong năm 2016 và kế hoạch của Bộ trong năm 2017.

2. Khuyến cáo Phòng chống bệnh Bạch Hầu

Theo Cục y tế dự phòng, ngày 17/01/2017, Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

  1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch.
  2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
  4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
  5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:

Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi

Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng

Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng

Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.

3. Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong những thời gian Tết

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, trong năm 2016, trên toàn địa bàn có 5.742 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị, không có bệnh nhân tử vong (so với năm 2015, tổng ca bệnh giảm 35%). Tuy nhiên, bệnh đang bắt đầu gia tăng, tổng số ca bệnh trong tuần 2 năm 2017 ghi nhận 102 ca tay chân miệng phải nhập viện điều trị. Bệnh đã tăng 21% so với trung bình chung của 4 tuần trước.Cận Tết Nguyên Đán cũng là thời điểm giao mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút gây bệnh truyền nhiễm phát triển.

4. Báo động hiểm họa tiết canh

Thời gian gần đây, trong khi ở khu vực phía Bắc có nhiều trường hợp tử vong do nhiễm bệnh liên cầu lợn thì ở phía Nam, loại bệnh có thể gây chết người này ngày càng gia tăng.

Trên địa bàn TP HCM, đường lây của loại bệnh nguy hiểm này đang khiến cộng đồng quan ngại. Số liệu của Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM công bố mới đây cho thấy trong năm 2016, toàn TP đã có 15 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn, tăng 200% so với năm 2015. Đó là chưa kể những trường hợp mắc bệnh nhưng không được phát hiện

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân gây nhiễm liên cầu lợn nhưng rất khó phát hiện. Ngoài nguyên nhân do nghề nghiệp, thói quen ăn tiết canh là một mối nguy khác vô cùng đáng sợ. Nhiều người vẫn nghĩ tiết canh là món mát, bổ. Thậm chí, không ít người còn cho rằng đầu năm, đầu tháng ăn tiết canh mới “đỏ”, làm ăn sẽ gặp “hên” nên ăn thoải mái, không chút dè dặt, điều này dễ dẫn đến nhiễm bệnh chết người do ăn nhầm tiết canh giả.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Ba loại bệnh có nguy cơ thành đại dịch toàn cầu

Các nhà khoa học nêu tên ba loại bệnh có nguy cơ tiềm năng trở thành các vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu trong thời gian tới. Đó là sốt xuất huyết Lassa, Hội chứng viêm đường hô hấp cấp Trung Đông (Mers) và bệnh do vi rút Nipah gây ra là ba trong số 10 bệnh hàng đầu mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định tiềm ẩn nguy cơ trở thành những đại dịch lớn tiếp theo của thế giới.

Cho tới nay các chính phủ và các tổ chức nhân đạo đã cam kết đóng góp được 460 triệu USD để đẩy nhanh quá trình phát triển các loại vắc xin phòng 3 loại bệnh này.

2. Phát hiện kháng thể trung hòa vi rút HIV

Các nhà khoa học phát hiện loại kháng thể 10-1074 có thể trung hòa vi rút HIV và an toàn cho người sử dụng. Cuộc thử nghiệm kháng thể 10-1074 trên 33 bệnh nhân dương tính với HIV do Đại học Rockefeller (Mỹ) kết hợp cùng Bệnh viện Đại học Cologne và Trung tâm Nghiên cứu Bệnh lây nhiễm Đức thực hiện đã diễn ra thành công. Không chỉ trung hòa HIV, kháng thể 10-1074 cho thấy hoạt tính kháng vi rút cao, khả năng dung nạp tốt và đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Cologne giải thích kháng thể 10-1074 nhắm đến cấu trúc vòng V3 trên lớp vỏ protein của HIV rồi trung hòa vi rút. "Những kháng thể này vô cùng mạnh mẽ, có hiệu quả đối với các chủng HIV khác nhau. Do đó, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm và phát triển văcxin HIV". Kháng thể 10-1074 sẽ tiếp tục được thử nghiệm trên người. Giới khoa học hy vọng kết hợp nhiều kháng thể đặc hiệu sẽ giúp đánh bại hoàn toàn HIV.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,