Điểm tin y tế tuần 20

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Công bố bãi bỏ 05 thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế dự phòng

Ngày 11/5/2017, Bộ Y tế ban hành Quyết định Số 1891/QĐ-BYT về việc công bố bãi bỏ thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ y tế trong lĩnh vực y tế dự phòng:

+ Cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm chủng theo điểm a, c, d Khoản 1 Điều 17 Thông tư 12/2014/TT-BYT

+ Cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm chủng theo Điểm b Khoản 1 Điều 17 Thông tư 12/2014/TT-BYT

+ Cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm chủng theo Điểm a, Khoản 2, Điều 17 Thông tư 12/2014/TT-BYT

+ Cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm chủng theo Điểm b Khoản 2 Điều 17 Thông tư 12/2014/TT-BYT

+ Cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm chủng theo Điểm c Khoản 2 Điều 17 Thông tư 12/2014/TT-BYT

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Bộ Y tế đề nghị khẩn trương tăng cường phòng chống sốt xuất huyết

Theo báo Lao động, ngày 10/5/2017, Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ về việc khẩn trương tăng cường phòng chống sốt xuất huyết. Thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, mặc dù số trường hợp mắc sốt xuất huyết trên cả nước đã giảm 20% so với cùng kỳ 2016 nhưng thời điểm này, số mắc sốt xuất huyết đã gia tăng tại nhiều tỉnh thành như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bạc Liêu, Cà Mau, Đăk Lăk…. Bên cạnh đó vẫn rải rác ghi nhận ca mắc zika mới tại các tỉnh phía nam. Qua công văn, Bộ Y tế đề nghị các địa phương nhanh chóng triển khai thu gom và loại các vật dụng phế thải có thể chứa nước như lốp xe, đồ hộp, đậy kín dụng cụ chứa nước, tổ chức diệt loăng quăng, diệt muỗi để chủ động phòng bệnh.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện đang bắt đầu vào mùa mưa, điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika phát triển. Hơn thế, năm nay có nhiều hiện tượng thời tiết lạ như mưa trái mùa ở một số địa phương phía nam, sốt xuất huyết gia tăng sớm trước mùa dịch thông thường ở phía bắc và nguy cơ dịch gia tăng trong 2017. Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện sớm triển khai hướng dẫn phát hiện và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết, đồng thời hướng dẫn người dân khi có các dấu hiệu bệnh phải đến bệnh viện để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị bệnh tại nhà.

2. Việt Nam gia nhập "cường quốc" sản xuất vắc xin trên thế giới

Theo báo Công an nhân dân, ngày 11/5/2017, với 2,5 triệu liều vắc xin phối hợp sởi-rubella do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vắc-xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sản xuất chính thức đưa ra thị trường bắt đầu tháng 6/2017, Việt Nam sẽ hoàn toàn sử dụng vắc xin sởi-rubella nội thay cho việc nhập khẩu lâu nay.

Việc Bộ Y tế vừa cấp giấy phép lưu hành vắc xin sởi-rubella do POLYVAC sản xuất là một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực sản xuất vắc xin và y tế dự phòng, sẽ chấm dứt cảnh thiếu hụt vắc xin do thủ tục nhập khẩu, hay do khan hiếm từ nhà sản xuất, mà giá lại rẻ bằng 50% vắc xin nhập. Hiện Việt Nam đã trở thành nước thứ 4 tại châu Á sản xuất được vắc xin sởi-rubella, cùng với Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc và là một trong 25 quốc gia sản xuất được vắc xin trên thế giới. Đây là một quá trình mang tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong vấn đề đối phó với dịch bệnh một cách bền vững. Việc tự sản xuất được vắc xin trong nước giúp ngành y tế chủ động trong ngăn chặn dịch rất thiết thực, bảo vệ sức khỏe nhân dân, giảm ngân sách nhà nước do không phải phải nhập khẩu vắc xin.

Sau khi Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp Chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin (NRA), việc chính thức đưa vắc xin sởi – rubella do Việt Nam sản xuất vào sử dụng đã cho thấy tiềm năng của Việt Nam trong việc sản xuất vắc xin phục vụ nhân dân, đồng thời mở ra cơ hội xuất khẩu vắc xin trong bối cảnh dịch bệnh đang ngày càng có những diễn biến phức tạp.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Chế tạo thành công vắc xin phòng bệnh amip

Nhóm các nhà khoa học thuộc trường Đại học tự trị Aguascalientes Mexico đã điều chế thành công một loại vắc xin tái tổ hợp có khả năng tăng cường hệ miễn dịch đối với đơn bào Entomoeba histolytica, tác nhân gây bệnh do amip.

Sau 20 năm nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học thuộc trường Đại học tự trị Aguascalientes Mexico (UAA) đã điều chế thành công một loại vắc xin tái tổ hợp có khả năng tăng cường hệ miễn dịch đối với đơn bào Entomoeba histolytica, tác nhân gây bệnh do amip. Giáo sư Javier Ventura Juárez - một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu trên - cho biết mặc dù amip chưa được coi là một bệnh nguy hiểm, nhưng nó ảnh hưởng tới 40% dân số thế giới, đặc biệt là người nghèo. Để ngăn chặn căn bệnh này cần một loạt các cơ chế bảo vệ như sử dụng nước sạch và chế độ dinh dưỡng tốt. Mặc dù cơ thể con người được bảo vệ bởi hệ miễn dịch chống lại ký sinh trùng, nhưng đơn bào Entomoeba histolytica vẫn rất dễ thâm nhập. Entomoeba histolytica gây các bệnh tiêu chảy và đau dạ dày. Nếu không phát hiện sớm sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Theo Giáo sư Ventura Juárez, loại vắc xin mới nói trên đã cho các kết quả tốt sau các thử nghiệm tiền lâm sàng và có khả năng tiêu diệt hoặc hạn chế sự phát triển của một số vi khuẩn gây bệnh khác. Vắc xin mới sẽ được tiến hành thử nghiệm lâm sàng để đánh giá mức độ an toàn sinh học, sau đó xin chứng chỉ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và bước tiếp theo là ứng dụng trên cơ thể người.

2. WHO cảnh báo nguy cơ bùng phát Ebola trở lại ở Congo

Theo đài ABC (Mỹ), kể từ ngày 22/4/2017 đến nay đã có 9 trường hợp nghi nhiễm vi rút Ebola và 3 trường hợp đã tử vong. Một trong số 5 mẫu máu xét nghiệm tại Viện nghiên cứu y sinh quốc gia Congo cho kết quả dương tính với vi rút Ebola. Sáu người khác vẫn đang được điều trị trong viện vì nhiễm phải loại vi rút chết người này. Các ca nhiễm vi rút Ebola xảy ra tại huyện Likati. Tuyên bố dịch bệnh đã được đưa ra tại khu vực ở vùng đông bắc Congo này.

Theo WHO, các nhóm chuyên gia dịch tễ và sinh học dự kiến sẽ tới khu vực này sớm nhất để tìm hiểu tình hình thực tế. Cộng hòa dân chủ Congo từng trải qua đợt dịch bệnh Ebola kéo dài 3 tháng năm 2014. Tuy nhiên nước này mau chóng chấm dứt được dịch bệnh sau khi đã có 49 người thiệt mạng. Sự việc tại Congo đánh dấu lần bùng phát thứ 8 của dịch bệnh do loại vi rút này gây ra kể từ năm 1976. Tháng 3/2014 đại dịch Ebola bùng phát tại nhiều quốc gia, trong đó nặng nhất tại Liberia, Guinea và Sierra Leone. Gần 29.000 người bị nghi nhiễm vi rút Ebola và 11.325 người đã thiệt mạng vì vi rút này.

3. Thuốc giúp bệnh nhân HIV kéo dài thêm 10 năm tuổi thọ

Theo Rambler, các nhà nghiên cứu tuần này công bố tuổi thọ của những bệnh nhân nhiễm HIV có thể tăng lên thêm 10 năm tại Mỹ và châu Âu nhờ vào các thành tựu, cải tiến với các loại thuốc AIDS như thuốc antiretroviral (loại thuốc đã được sử dụng để kéo dài cuộc sống của những người bị lây nhiễm HIV, nhưng đồng thời cũng có hiệu quả cao trong việc hạn chế sự lây truyền của loại vi rút này). Liệu pháp điều trị kháng vi rút, hay còn gọi là liệu pháp ART, lần đầu tiên được sử dụng rộng rãi vào giữa những năm 1990. Liệu pháp này bao gồm sự kết hợp của 3 hoặc của nhiều loại thuốc nhằm ngăn chặn sự nhân lên của vi rút HIV. Điều này giúp ngăn ngừa và "sửa chữa" những thiệt hại, "hỏng hóc" trong hệ thống miễn dịch của con người gây ra do HIV, và cũng giúp ngăn chặn sự lây truyền của bệnh.

Nhóm nghiên cứu của Trickey cho biết khi họ xem xét cụ thể số ca tử vong do AIDS, con số trong quá trình điều trị giảm dần theo thời gian giữa năm 1996 và 2010, có lẽ vì nhiều loại thuốc hiện đại có hiệu quả hơn trong việc phục hồi hệ thống miễn dịch. Kết quả là, giữa năm 1996 và năm 2013, tuổi thọ của những người 20 tuổi được điều trị HIV đã tăng thêm được 9 năm đối với phụ nữ và 10 năm đối với đàn ông tại khu vực Liên minh châu Âu và Bắc Mỹ. Điều này cho thấy nếu một người 20 tuổi bắt đầu được điều trị ART từ năm 2008 trở đi và tiến triển tốt với cách điều trị này, họ sẽ có được tuổi thọ gần với tuổi thọ của dân số nói chung - 78 năm.

4. Cảnh báo nguy cơ ký sinh trùng trong sushi

Theo BBC, Trong báo cáo nghiên cứu của tạp chí Y học Anh, các bác sĩ cho biết mức độ phổ biến ngày càng tăng của sushi ở phương Tây có thể liên quan đến sự gia tăng bệnh nhiễm ký sinh trùng. Các chuyên gia đã điều trị một người đàn ông 32 tuổi ở Lisbon, đã được tìm thấy có ấu trùng ký sinh trùng trên ruột của mình. Người này đã bị đau dạ dày, nôn mửa và sốt trong một tuần. Xét nghiệm máu cho thấy anh ta bị viêm nhẹ còn khu vực dưới xương sườn của anh ta bị tổn thương. Nhưng khi người đàn ông nói gần đây anh ta đã ăn sushi, các bác sĩ đã nghi ngờ anh ta có thể bị bệnh anisakiasis.

Anisakiasis là một bệnh ký sinh gây ra bởi giun tròn anisakic xâm nhập vào thành dạ dày hoặc ruột của con người. Bệnh này xảy ra khi ấu trùng nhiễm bệnh được đưa vào cơ thể người từ cá hoặc mực tươi nấu chưa chín. Các bác sĩ đã thực hiện nội soi người đàn ông, chèn một ống soi gắn máy quay vào dạ dày. Họ tìm thấy ấu trùng của một loại ký sinh trùng gắn chặt vào một khu vực sưng lên và viêm ở ruột. Một thiết bị đặc biệt đã được sử dụng để loại bỏ ấu trùng “các triệu chứng của bệnh nhân được giải quyết ngay lập tức”, nhóm nghiên cứu từ bệnh viện Lisbon cho biết. Họ nói thêm rằng, hầu hết các trường hợp nhiễm anisakiasis cho đến nay đã được báo cáo ở Nhật Bả. Tuy nhiên, căn bệnh này ngày càng trở nên phổ biến ở các nước phương Tây.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,