Điểm tin y tế tuần 22

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Đơn giản hóa các thủ tục Hành chính, quy định liên quan đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Ngày 26/5/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 894/QĐ-TTg về việc phê duyệt phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy định liên quan đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế.

Theo đó, các thủ tục về cấp phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đơn giản hóa bao gồm: Bỏ yêu cầu bắt buộc cơ sở phải cung cấp bản sao có chứng thực quyết định thành lập đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài. Cung cấp bản sao chứng chỉ hành nghề; Bản sao chứng thực hợp đồng vận chuyển người bệnh; Cung cấp quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trạm y tế xã, phường cũng được bãi bỏ và thay đổi các thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người Việt Nam.

Quyết định cũng quy định thời gian và phân cấp thẩm quyền thẩm định để cấp phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Quy định về công tác Y tế trường học

Ngày 12/5/2016, Liên bộ Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT quy định về công tác Y tế trường học.

Thông tư liên tịch này áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non; trường tiểu học; trường trung học cơ sở; trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; trường chuyên biệt không bao gồm trường dành cho người tàn tật, khuyết tật và trường giáo dưỡng; cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Theo quy định, Trường học phải có phòng y tế riêng, đảm bảo diện tích, ở vị trí thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh; Phòng y tế của các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên biệt được trang bị tối thiểu 01 giường khám bệnh; Các cơ sở giáo dục mầm non cần có các trang bị, dụng cụ chuyên môn và thuốc thiết yếu phù hợp với lứa tuổi; Nhân viên y tế trường học phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trở lên; Các trường học cũng có thể ký hợp đồng với Trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ hình thức phòng khám đa khoa trở lên để chăm sóc sức khỏe học sinh.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 30/6/2016.

TIN Y TẾ NỔI BẬT

1. Cảnh báo gia tăng các bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người

Ngày 21/5/2016, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã đưa ra lời cảnh báo về mối đe dọa cho môi trường đáng lo ngại nhất hiện nay là sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người gồm: Ebola, cúm gia cầm, hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng do vi rút (SARS), hội chứng viêm đường hô hấp xuất phát từ Trung Đông (MERS), sốt Rift Valley, vi rút phía Tây sông Nile (Ai Cập), vi rút Zika. Theo báo cáo, có khoảng 60% các bệnh truyền nhiễm là từ động vật sang người, trong đó có 75% là các dịch bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện. Trung bình cứ mỗi 4 tháng lại có một dịch bệnh truyền nhiễm mới được phát hiện ở con người.

Ngoài ra, LHQ còn đề cập các hóa chất độc hại trong cây trồng được sinh ra bởi sự biến đổi khí hậu do tích lũy Nitrate. Một số độc tố khác, có liên quan đến việc biến đổi khí hậu là hydrogen cyanide hoặc axit prussic. Cơ quan Môi trường Liên Hiệp Quốc báo động tình trạng rác thải nhựa và sự nóng lên toàn cầu chính là hai lý do chính ảnh hưởng tới “mối quan hệ quan trọng giữa môi trường lành mạnh và sức khỏe con người”.

2. Bệnh truyền nhiễm do vi rút Coxsackie

Ngày 27/5/2016, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế có thông báo về nguyên nhân khiến 07 trẻ mắc bệnh và tử vong tại Cao Bằng là do vi rút Coxsackie. Bệnh đã xảy ra ở các trường hợp trẻ từ 02 - 22 tháng tuổi nghi do viêm não với các triệu chứng: sốt, ho kèm theo khó thở, tiêu chảy. Theo báo cáo, một số trường hợp có dấu hiệu nhiễm độc thần kinh, co giật dẫn đến tử vong nhanh. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc với dịch mũi họng và phân cũng như những giọt khí dung của người bị người bệnh và người lành mang trùng.

Để phòng chống các bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa nói chung, do vi rút Coxsackie nói riêng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

Giữ gìn vệ sinh chung; thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng; Lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện vệ sinh môi trường, không tiếp xúc với người bị bệnh; Trẻ em khi có dấu hiệu sốt, rối loạn tiêu hóa … cần đến ngay cơ sở y tế để được khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,