Điểm tin y tế tuần 49

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO
1) Việc thực hiện “Đường dây nóng y tế”

Thời gian qua Bộ Y tế đã thiết lập “đường dây nóng” trực 24/24 giờ theo số điện thoại 1900.9095, tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dân về chính sách khám chữa bệnh, về những bức xúc, về tinh thần thái độ phục vụ, ứng xử và xử lý bệnh; về tiêu cực; về thủ tục khám chữa bệnh; chất lượng dịch vụ,… của cơ sở khám chữa bệnh. Việc thiết lập “đường dây nóng” và triển khai thực hiện nghiêm túc sẽ rất có ý nghĩa và có giá trị trong bối cảnh nhiều bất cập về điều kiện và công tác khám chữa bệnh hiện nay. Tuy nhiên, qua kiểm tra đột xuất từ ngày 24 - 27/10, Bộ Y tế phát hiện có 304 số điện thoại nhân viên gọi 3 lần nhưng không có người nghe, từ chối trả lời; 21 số điện thoại hệ thống báo “không tồn tại”; 40 số điện thoại tắt máy hoàn toàn; 01 số điện thoại hệ thống báo “tạm ngắt”. Bộ Y tế đã có công văn gửi tới các Sở Y tế, các bệnh viện đề nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm chế độ trực máy điện thoại trực đường dây nóng. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, có hình thức xử lý theo quy định. Báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế trước ngày 25/12/2015.

2) Kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2015

Ngày 06 tháng 11 năm 2015, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4745/QĐ-BYT về nội dung kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2015.

Nội dung kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2015, bao gồm: Thông tin, số liệu hoạt động bệnh viện; Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện.

Nội dung kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2015 được áp dụng chung cho toàn bộ các bệnh viện Nhà nước và tư nhân.

3) Bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế

Ngày 30/11/2015, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5084/QĐ-BYT quy định bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Bộ mã Danh mục dùng chung (phiên bản số 2) để làm cơ sở dữ liệu áp dụng trong phần mềm liên thông giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội và các đơn vị liên quan (bãi bỏ bộ mã danh mục dùng chung phiên bản số 1).

Bộ mã danh mục dùng chung (phiên bản số 2) dùng để thống nhất ngữ nghĩa của dữ liệu hoặc thông tin, bảo đảm liên thông phần mềm giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội và các đơn vị liên quan trên toàn quốc, gồm các danh mục (phụ lục kèm theo được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế): Danh mục dịch vụ kỹ thuật; Danh mục thuốc tân dược; Danh mục vật tư tiêu hao; Danh mục thuốc và vị thuốc y học cổ truyền; Danh mục bệnh y học cổ truyền; Danh mục bệnh theo ICD X; Danh mục máu và chế phẩm máu; Danh mục cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

TIN Y TẾ NỔI BẬT

1) Đạt được mục tiêu thiên niên kỷ về phòng chống sốt rét

Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc bao gồm 8 mục tiêu, trong đó Mục tiêu 6 là chống lại bệnh sốt rét, HIV/AIDS và các bệnh khác. Tất cả 189 quốc gia thành viên đã đồng ý cố gắng đạt được các mục tiêu vào năm 2015 (Tuyên bố thiên niên kỷ của Liên hợp quốc tháng 9/2000), tuy nhiên đến nay các mục tiêu thiên niên kỷ đang được chuyển dịch thành 17 mục tiêu phát triển có thể thực hiện được vào năm 2030.

Đối với bệnh sốt rét, theo báo cáo của WHO và UNICEF, mục tiêu giảm mắc và chết do bệnh có thể đạt được nhưng khoảng 3 tỷ người vẫn còn nguy cơ của bệnh. “phòng chống sốt rét trên phạm vi toàn cầu là một thành công về sức khỏe cộng đồng trong 15 năm qua” (phát biểu của Tổng giám đốc WHO). Năm 2000, là một trong những năm khó khăn trong việc phòng chống bệnh sốt rét toàn cầu và cũng là năm đặt mục tiêu kiểm soát và đẩy lùi bệnh sốt rét, với tỷ lệ mắc sốt rét giảm 37% trên toàn cầu. Tuy nhiên, việc chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sốt rét chưa được đồng đều ở các nước có bệnh sốt rét, trong đó, kể đến là châu Phi cận Sahara - chiếm 80% các trường hợp mắc bệnh sốt rét và 78% các ca tử vong trên toàn cầu. Tháng 5 năm 2015, WHO đã thông qua Chiến lược phòng chống sốt rét Toàn cầu 2016-2030, chiến lược này nhằm mục tiêu giảm 90% tỷ lệ mắc sốt rét và tỷ lệ tử vong toàn cầu vào năm 2030.

2) Mexico sử dụng vắc xin sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới

Theo BBC News và New York Times, Bộ Y tế Mexico đã chấp thuận sử dụng vắc xin sốt xuất huyết, vắc xin này được tập đoàn Sanofi Pháp sản xuất.

Các thử nghiệm lâm sàng với hơn 40.000 người ở 15 quốc gia cho thấy vắc xin Dengvaxia giúp tạo ra miễn dịch cho khoảng 60% người tiêm phòng trong độ tuổi từ 9 - 45, hiệu lực bảo vệ có thể lên tới 93% đối với thể sốt xuất huyết nặng. Vắc xin này không được tiêm cho trẻ dưới 9 tuổi bởi các nghiên cứu cho thấy hiệu quả bảo vệ đối với độ tuổi này rất thấp, đặc biệt là nhóm dưới 6 tuổi.

Hiện nhiều triệu liều vắc xin đã được sản xuất và sẵn sàng đưa đi khắp thế giới, trong đó sẽ tới EU vào đầu năm 2016 và Mỹ là 2017.

Hãng Dược phẩm Sanofi hy vọng rằng vắc xin có khả năng phòng được cả 4 thể của vi rút sốt xuất huyết này sẽ được công nhận trong vài tuần tới ở nhiều nước châu Mỹ, châu Á, nơi có tới 2 tỉ dân đang phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh. Và như vậy, từ năm 2017, hãng này sẽ sản xuất 100 triệu liều mỗi năm để đáp ứng nhu cầu của thế giới. Hãng dược phẩm Sanofi và một số chuyên gia nói rằng, mức độ hiệu quả của vắc xin rất khả quan, có thể dẫn đến việc không cần điều trị bệnh, vì theo một thử nghiệm ở trẻ em từ 9 – 16 tuổi ở châu Mỹ Latin và vùng Caribbean, việc sử dụng vắc xin đã giảm nguy cơ nhập viện do sốt xuất huyết đến 80%.

Nguồn: http://www.bbc.com/news/world-latin-america-35056139; và http://www.nytimes.com/2015/12/10/business/first-dengue-fever-vaccine-approved-by-mexico.html?_r=1

3) Bệnh Leishmania bùng phát ở Syria

Theo CDC Hoa Kỳ, dịch bệnh leishmania đang hoành hành ở Syria do trùng roi ký sinh ở máu gây loét da, phá hủy nội tạng như lá lách, gan, tủy xương… bệnh truyền qua vết cắn của ruồi cát, với thời gian ủ bệnh khoảng từ 3 đến 6 tuần. Ban đầu ở vết ruồi đốt sẽ xuất hiện nốt sần đỏ sau chuyển thành mụn loét có bờ nổi lên lởm chởm, đáy lõm sâu có mô mọc thành hạt, xung quanh là vùng da dày, cứng, sau đó, tiếp tục phát triển, sinh sản, liên tục tấn công vào tế bào lành bên cạnh. Các triệu chứng khác của bệnh bao gồm như tiêu chảy, sốt cao, suy nhược... tuy nhiên nhiều trường hợp bệnh nhân không biểu lộ triệu chứng nào. Nếu không chữa trị kịp thời, tỷ lệ bệnh nhân tử vong là 100% trong vòng 3-20 tháng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính mỗi năm có khoảng 1,3 triệu ca mắc bệnh mới, trong khi khoảng 200.000 người đến 300.000 người chết mỗi năm do dịch bệnh leishmaniasis. Bệnh xảy ra ở 90 nước, chủ yếu thuộc khu vực Trung Đông, châu Phi, một phần châu Á và châu Mỹ. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa tìm được phương thức điều trị hiệu quả cũng như văcxin phòng ngừa căn bệnh này.

4) Singapore cấm buôn bán cá nước ngọt sống

Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) đã ra lệnh cấm buôn bán cá nước ngọt sống sau khi ăn loại thực phẩm này đã gây ra 150/360 ca nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B. Một trường hợp 22 tuổi bị sốt cao 40 độ, liên tục ho và tiểu ra máu sau khi ăn món yu sheng gồm rau và cá sống, người này qua đời trước khi có kết quả xét nghiệm. Bác sĩ kết luận bệnh nhân tử vong vì nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B từ cá sống. Một trường hợp mắc bệnh khác 52 tuổi, sau khi ăn món lẩu cá, người này đã bị hôn mê 10 ngày và lên cơn co giật. May mắn, bệnh nhân đã tỉnh lại và xuất viện.

(http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/singapore-cam-an-ca-song-vi-dich-lien-cau-khuan-nhom-b-bung-phat-3324285.html).

Ban Biên tập

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,