KIẾN BA KHOANG

1. VỊ TRÍ PHÂN LOẠI

Giới

Động vật

Ngành

Chân đốt

Lớp

Côn trùng

Bộ

Cánh cứng (Coleoptera)

Họ

Cánh cụt (Stahylinidae)

Phân họ

Paederinae

Giống

Paederus

2. THÀNH PHẦN LOÀI VÀ PHÂN BỐ

2.1. Trên thế giới

Họ Staphylinidae đã phát hiện được 46.275 loài, 3.200 giống, 31 phân họ, trong đó 2/3 số loài vùng nhiệt đới. Giống Paederus (Fabricius, 1774) có hơn 600 loài, trong đó có khoảng 20 loài có độc đố gây viêm da. Các loài thường gặp là: Paederus alfierii, Paederus australis, Paederus baudii, Paederus brasiliensis, Paederus cruenticollis, Paederus eximius, Paederus fuscipes, Paederus littoralis, Paederus melampus, Paederus ornaticornis, Paederus sabaeus [1]

Kiến ba khoang phân bố rộng khắp thế giới, số lượng loài tùy thuộc vào điều kiện địa lý, khí hậu, độ cao, đặc điểm sinh cảnh mỗi vùng. Có loài thích sống trong rừng, loài ưa thích đồng ruộng, loài ưa thích ánh sáng tự nhiên, loài ưa thích ánh sáng đèn điện...[3]

2.2. Việt Nam

Ở Việt Nam, theo J. H. Frank và K. Kanamitsu có hai loài thuộc giống Paederus: P. fuscipesP. alternams [5].

Kiến ba khoang là một loại bọ cánh cứng có tên khoa học là Paederus spp. (tên tiếng Anh là Rove beetles). Thực ra nó không phải là con kiến nhưng vì hình dạng giống như kiến nên gọi là kiến ba khoang, ngoài ra còn có một số tên gọi khác như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong... [8]

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây kiến ba khoang thường xuất hiện ở các khu dân cư: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh… nơi gần với cánh đồng lúa. Loài này thường xuất hiện vào mùa thu, thời gian vào dịp thu hoạch vụ mùa lúa, với mật độ nhiều hơn so với các tháng trong năm. Đặc biệt từ tháng 9 đến 10/2015 nhiều vụ kiến ba khoang xâm nhập nơi ở của người dân [8].

2.3.Khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng

Theo Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP. HCM, cho đến nay chưa thấy có nghiên cứu về thành phần loài nhóm côn trùng này tại khu vực.

3. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC

3.1. Đặc điểm hình thể

3.1.1. Trứng:

Hình 6.1. Hình thể trứng của loài Paederus spp. [5, 10]

Trứng, màu trắng vàng và gần như hình cầu, trứng nằm riêng lẻ và thường đẻ ở nươi ẩm. Trứng rất nhạy cảm với môi trường, đường kính khoảng 2 cm [5]

3.1.2. Ấu trùng:

Ấu trùng có hình dạng giống con trưởng thành, ấu trùng có 2 giai đoạn (ấu trùng giai đoạn 1 và ấu trùng giai đoạn 2). Thường sống ở nơi ẩm [5].

Hình 6.2. Hình thể ấu trùng tuổi I (D) và ấu trùng tuổi II (C) [5, 11]

3.1.3. Nhộng

Hình 6.3. Hình thể nhộng của loài Peaderus spp. [5, 11]

3.1.4. Con trưởng thành:

Hình 6.4. Hình thể loài Paederus spp. trưởng thành [5, 12]

Cơ thể dài 10 -20mm, gần hình trụ thon, có các khoang màu nâu đỏ và đen; gồm 3 phần: đầu- ngực- bụng. Đầu màu đen, có hai mắt, một đôi râu gồm 12 đốt gần bằng nhau, một đôi kìm chắc khỏe để bắt mồi; miệng kiểu nghiền.

Ngực 3 đốt, mang 3 đôi chân và 2 đôi cánh; đôi cánh cứng ngắn ở ngoài, đôi cánh lụa dài gập lại trong cánh cứng, khi bay đôi cánh lụa vươn ra. Bụng gồm 10 đốt, khớp nối giữa đầu, ngực, bụng rất linh hoạt cho nên chúng có thể cong mình lên hay uốn sang hai bên.

3.2. Vòng đời phát triển

Trứng thường được đẻ riêng rẽ vào các đường nứt trên bề mặt đất. Con cái đẻ khoảng 18 - 100 trứng, bắt đầu đẻ trứng từ cuối tháng 4 hoặc giữa tháng 5 đến tháng 7. Sau 3 - 19 ngày trứng nở thành ấu trùng. Giai đoạn ấu trùng chia thành hai giai đoạn, giai đoạn một từ 4 ngày đầu đến ngày thứ 22, giai đoạn hai ngày thứ 7 đến ngày 36. Giai đoạn nhộng kéo dài từ 3 đến 12 ngày. Tổng số ngày hoàn thành vòng đời khoảng từ 22 đến 50 ngày, trung bình là 32,5 ngày [4].

Hình 6.5. Vòng đời phát triển của loài Paederus spp. [13]

3.3. Tập tính

Kiến khoang là côn trùng biến thái hoàn toàn, chúng phát triển qua các giai đoạn: trứng - ấu trùng (tuổi I, II) - nhộng – trưởng thành. Con trưởng thành và ấu trùng ăn các loài côn trùng nhỏ hơn và tuyến trùng (nematodes) trong đất, rau trong tự nhiên. Trứng và ấu trùng cũng bị tấn công bởi các loại côn trùng khác và nhện [4]. Do vậy, nó đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh sinh học phòng chống côn trùng nơi ruộng lúa (paddy pests) và góp phần cân bằng sinh học trong thiên nhiên. Cho nên người ta xếp chúng vào loại côn trùng có lợi.

Kiến khoang Paederus là loại côn trùng vùng nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm. Chúng thường sống ở ven ruộng, quanh gốc rạ, bãi cỏ, gần vùng nước, ruộng rau, trong những nơi đang xây dựng dở dang. Chúng thường ẩn nấp và sinh sản trong các đống thực vật mục nát có nhiều chất mùn như rơm rạ, cỏ mục, cành cây, dưới đống gạch đá v.v... Ta có thể gặp kiến ở quanh bóng đèn trong các buồng làm việc, buồng ngủ ở ký túc xá, bệnh viện, trường học cạnh đồng ruộng, đầm, hồ [5].

Chúng (Paederus) sinh sản quanh năm, nhưng chủ yếu nhiều vào mùa mưa thời tiết nóng ẩm. Đây là loại côn trùng vùng nhiệt đới, nóng ẩm. Đối với các loài này thường hoạt động vào ban đêm nhưng chúng lại hoạt động ban ngày (điều này có thể giải thích được tại sao buổi tối hay gặp quanh bóng điện sáng). Chúng ưa khí hậu ẩm. Ta có thể gặp chúng ở quanh bóng đèn trong các buồng làm việc, buồng ngủ, nhất là ở các cơ quan đóng quân cạnh đồng ruộng, hồ, rác [5].

Vào mùa mưa, ban đêm kiến ba khoang theo ánh đèn bay vào buồng làm việc, buồng ngủ, buồng tắm... Người làm việc, ngủ, tắm dưới ánh đèn bị côn trùng rơi vào cổ mặt, phần hở thân mình vô tình dơ tay quệt, đập làm côn trùng có chứa chất pederin xiết lên da, hoặc côn trùng bám vào khăn mặt rơi vào bồn rửa, bệnh nhân không chú ý nên xát phải côn trùng lên da và gây viêm da phỏng nước phỏng mủ. Ban đầu bệnh nhân thấy hơi ngứa rát, sau 6-12 giờ thành một đám hơi nề, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều l-5mm, 1-3 ngày sau thành phỏng nước phỏng mủ. Lúc này thấy cảm giác đau, rát càng tăng. Có thể kèm theo ngây ngấy sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương. Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả hai mắt, 2-3 ngày mới đỡ, ở bẹn có thể nổi hạch bẹn sưng đau đi lại khó.

4. VAI TRÒ Y HỌC

Ngoài loài P. fuscipes còn có loài bọ cánh cứng khác như P. pietschmanni, P. spectabilis, P. ripariusP. littoralis [7]. Các loài côn trùng này không đốt hay cắn nhưng do trong dịch cơ thể của chúng có chứa pederin - một loại chất độc gây rộp, phỏng da, viêm da [6]. Khi da người tiếp xúc vào chất tiết của chúng qua những vật dụng nào đó hoặc vô ý đập làm cho chúng chết trên da thì chất độc theo dịch cơ thể chúng tiết ra ngoài, dính vào da người, gây bệnh ngay tại vùng da đó... Khi dính vào da tay, nếu không rửa sạch tay ngay thì vô tình sẽ làm chất độc dính vào chỗ khác trên cơ thể gây viêm da lan toả [4].

Hình 6.6. Cấu trúc hóa học của pederin [14]

Về xét nghiệm không có biến đổi gì đặc biệt. Trừ một số trường hợp tổn thương phỏng mủ rộng, sưng đau, sốt bạch cầu có thể cao. Hình ảnh tổ chức học chỉ là viêm da không đặc hiệu.

Biểu hiện viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang thì thường xuất hiện ở những vùng da hở như: cổ, mặt, lưng, tay, chân... Kiến có thể gây viêm da từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy theo độc chất xâm nhập qua da. Ban đầu người bệnh thấy hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da, sau 6 - 12 giờ, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1 - 5mm, 1 đến 3 ngày sau thành phỏng nước, phỏng mủ. Lúc này thấy cảm giác đau, rát càng tăng. Có thể kèm theo sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương. Nếu tay bị dính chất độc khi đập kiến, chà xát và sờ vào mắt có thể làm bỏng mắt. Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả hai mắt, 2, 3 ngày mới đỡ, ở bẹn có thể nổi hạch bẹn sưng đau khó đi lại. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng viêm da sẽ tiến triển sang dạng loét. Các vết loét có nhiều hình dạng khác nhau tùy theo động tác khi ta đập, giết và chà xát kiến trên da. Cũng có ít trường hợp chỉ nổi vết đỏ, lấm tấm mụn nước nhỏ hơi ngứa, lặn sau 3 - 5 ngày, không thành phỏng [4].

Hình 6.7. Sang thương do độc tố pederin của kiến ba khoang gây ra [11]

Cần phân biệt với viêm da do nguyên nhân khác như: hóa chất, sơn, zona, viêm da tiếp xúc do lá cây (photophytodermatitis).

5. BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG

Nếu có sự hiện diện của kiến ba khoang trong khu vực, nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang.

Ngăn cản kiến ba khoang vào nhà bằng cách:

- Sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào.

- Nên ngủ trong màn.

- Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà, vì đây là nơi trú ẩn tốt cho loài này.

Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài nhà, nhất là ở những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình đang xây dựng.

Khi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa thu hoạch, mùa mưa bão, cần chú ý sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động như: mặc quần áo dài tay, đội mũ, nón, khẩu trang, đi ủng để tránh tiếp xúc với côn trùng.

Nếu đã tiếp xúc với kiến ba khoang hoặc nghi ngờ là đã tiếp xúc với chúng, nên thực hiện một số bước sau:

- Nếu có một con kiến ba khoang đang bò trên người bạn, hãy lấy nó ra khỏi người bằng cách thổi hoặc để một tờ giấy vào cho nó bò lên và lấy nó ra khỏi người. Sau đó rửa sạch vùng da đã tiếp xúc với loài côn trùng này.

- Nếu bạn lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi nơi tiếp xúc để hạn chế chất độc.

- Đến cơ sở y tế để báo và thăm khám, điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Phun hóa chất diệt: có 4 loại thuốc trừ sâu được sử dụng để diệt kiến ba khoang (Deltamethrin, Fipronil, Fenitrothion và Imidacloprid) phun tồn lưu trên tường vách, sàn nhà và vật dụng là ba chất khác nhau (gạch, gỗ dán, và vật liệu khác). Hiệu quả tiêu diệt kiến 3 khoang như sau: Deltamethrin > Imidacloprid > Fipronil > Fenitrothion. Mặc dù Deltamethrin cho thấy khả năng gây chết nhanh nhưng tỷ lệ kiến ba khoang hồi phục sau 48 giờ là 25% trên nền gạch và gỗ dán là 80%. Ngược lại, Fipronil khả năng gây chết chậm nhưng có hơn 80% kiến ba khoang chết sau 4 tuần xử lý trên nền gạch và dán gỗ. Imidacloprid tỷ lệ gây chết cao (gần như 100%) sau 48 giờ xử lý, nhưng chỉ trên nền gạch.

Trong số bốn loại hoá chất được thử nghiệm, Fenitrothion là hiệu quả thấp nhất vì tỷ lệ gây chết thấp hoặc không có khả năng làm kiến ba khoang chết [2].

Để xử lý triệt để, tránh tình trạng kiến ba khoang lan tràn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, khi có đàn kiến ba khoang xuất hiện ở khu dân cư, bà con nên liên hệ ngay với đơn vị y tế chuyên trách (các Viện Sốt rét – KST – CT, các Trung tâm Y tế dự phòng huyện/thị...) để hướng dẫn và phối hợp xử lý.

6. PHƯƠNG PHÁP THU THẬP, ĐIỀU TRA

Sử dụng pitfall traps, light traps, flight intercept traps, Berlese funnel traps, sweep net để thu thập kiến ba khoang. Các bẫy đèn sử dụng ánh sáng huỳnh quang để thu hút các loài kiến ba khoang và sử dụng các dung dịch nước muỗi hoặc xà phòng cho vào các chậu ở các bẫy này. Những cái bẫy này được đặt khắp nơi trong khu vực có kiến ba khoang, trong khoảng 4 ngày thu bẫy một lần. Đối với vợt, sau 15 bước quét vợt ba lần. Các mẫu vật đã chết được bảo quản trong cồn 70% để bảo quản [17].

Hình 6.8.Các bẫy thu thập kiến ba khoang [17]

7. HÌNH ẢNH MỘT SỐ LOÀI KIẾN BA KHOANG

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Anuj Taneja et al. Clinical and epidemiological study of Paederus dermatitis in Manipal, India. Manipal University, India. 2013

  2. Bong LJ. Contact toxicity and residual effects of selected insecticides against the adult Paederus fuscipes (Coleoptera: Staphylinidae). J Econ Entomol. 2013

  3. CC Heo et al. Dermatitis caused by paederus fuscipes curtis, 1840 (coleoptera: staphilinidae) in student hostels in selangor, malaysia. Faculty of Medicine, Universiti Teknologi MARA, Sungai Buluh Campus, Jalan Hospital, Sungai Buluh, Selangor, Malaysia. 2013

  4. Kurosa Kazuyoshi. Studies on the life history of Paederus fuscipes Curtis (Staphylinidae): Studies on poisonous beetle, III. Medical entomology and zoology. Department of Parasitology, Institute for Infectious Diseases, University of Tokyo. 1958

  5. J. H. Frank and K. Kanamitsu, 1987. Paederus, sensu lato (Coleoptera: Staphylinidae): Natural history and medical importance. J. Med. Entomol. Vol. 24, no. 2: 155 – 191.

  6. Luciano Schiazza. Paederus dermatitis. Via Cesarea, 17/4. 16121 Genova - Italy

  7. Nikbakhtzadeh MR. Tirgari S. Medically important beetles (insecta: coleoptera) of Iran. Department of Medical Parasitology and Entomology, College of Medical Sciences, Tarbiat Modares University, Tehran, Iran. 2008

  8. http://www.impehcm.org.vn/noi-dung/ngoai-ky-sinh/kien-ba-khoang.html

  9. https://en.wikipedia.org/wiki/Paederus

  10. https://ucanr.edu/blogs/blogcore/postdetail.cfm?postnum=7498&source=RSS&medium=RSS&campaign=RSS%2BFeed

  11. http://www.scielo.br/scielo.php?script=sci_arttext&pid=S1678-91992008000400004

  12. http://www.quintopoder.com.co/secretaria-de-salud-lidera-comite-para-enfrentar-aparicion-del-insecto-paederus-irritans/

  13. http://cronodon.com/BioTech/Insect_Life_cycles.html

  14. https://www.researchgate.net/publication/225286406_Nairobi_Fly_Paederus_Dermatitis_in_South_Sudan_A_Case_Report

  15. https://www.fugleognatur.dk/gallery.asp?mode=ShowLarge&ID=468433

  16. https://is.wikipedia.org/wiki/J%C3%B6tunuxar

  17. Shabab Nasir, Waseem Akram, and Farooq Ahmed, 2012. The Population Dynamics, Ecological and Seasonal Activity of Paederus fuscipes Curtis (Staphylinidae; Coleoptera) in the Punjab, Pakistan. Elsevier

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,