Điểm tin y tế tuần 05

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Ban hành kế hoạch đáp ứng phòng chống dịch bệnh do vi rút zika trong tình hình mới tại Việt Nam

Ngày 17/01/2017, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 162/QĐ-BYT về việc Ban hành kế hoạch đáp ứng phòng chống dịch bệnh do vi rút zika trong tình hình mới tại Việt Nam

Theo đó các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur/Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng:

+ Hướng dẫn các tỉnh, thành phố trên địa bàn phụ trách thực hiện giám sát và phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika, kiểm soát ổ dịch, đồng thời hỗ trợ thực hiện việc giám sát véc tơ, xử lý ổ dịch Zika do địa phương thực hiện.

+ Thực hiện xét nghiệm khẳng định nhiễm vi rút Zika, tiến hành đánh giá, dự báo tình hình dịch để có đáp ứng kịp thời và chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm.

+ Thành lập các đoàn công tác trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn, giám sát hoạt động phòng, chống dịch tại các địa phương có có trường hợp bệnh do vi rút Zika.

+ Tổ chức tập huấn chuyên môn kỹ thuật giám sát, phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika.

+ Đầu mối triển khai các nghiên cứu khoa học về dịch tễ học, đặc điểm sinh thái, vi rút học và miễn dịch học của vi rút Zika.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

2. Các chính sách nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 02/2017

2.1. Điều kiện thi thăng hạng của viên chức chuyên ngành y tế 2017

Nội dung này được quy định tại Thông tư 44/2016/TT-BYT sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch 56/2015/TTLT-BYT-BNV về tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung thi thăng hạng chức danh viên chức chuyên ngành y tế.

Theo đó, viên chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ bác sĩ y học dự phòng (BSYHDP) hạng III lên BSYHDP chính hạng II và từ BSYHDP chính lên BSYHDP cao cấp hạng I năm 2017 phải có thời gian 02 năm gần nhất làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng thay cho 02 năm gần nhất giữ chức danh BSYHDP hạng III, BSYHDP chính hạng II.

Ngoài ra, viên chức chuyên ngành y tế tham dự thi thăng hạng năm 2017 chưa phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi nhưng để đảm bảo đủ tiêu chuẩn, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý phải cử viên chức đã tham dự kỳ thi thăng hạng tham dự khóa đào tạo, bồi dưỡng trong vòng 12 tháng kể từ ngày Bộ y tế ban hành chương trình.

Thông tư 44/2016/TT-BYT có hiệu lực từ 01/02/2017.

2.2. 02 trường hợp miễn tập sự đối với viên chức chuyên ngành y tế

Từ ngày 01/02/2017, Thông tư 43/2016/TT-BYT quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế sẽ có hiệu lực.

Theo đó, người trúng tuyển viên chức chuyên ngành y tế sẽ được miễn thực hiện chế độ tập sự khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Đã có thời gian từ đủ 12 tháng trở lên làm chuyên môn y tế trong các cơ sở y tế phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng;

- Đã được cấp chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng và đã có thời gian thực hành từ 12 tháng trở lên để được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định.

Ngoài ra, Thông tư 43 cũng quy định về thời gian tập sự cụ thể với từng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế (gồm: bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, y tế công cộng, y sĩ, dược, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng, dân số).

2.3. Mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập tháng đã đóng BHXH 2017

Đây là nội dung được quy định tại Thông tư 42/2016/TT-BLĐTBXH về mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành vào ngày 28/12/2016.

Theo đó, mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập tháng đã đóng BHXH năm 2017 là 1.00.

Thông tư này bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/02/2017 và các quy định tại Thông tư này áp dụng kể từ ngày 01/01/2017.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Không chủ quan, lơ là trước nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và dịp đầu năm 2017

Trước tình hình dịch bệnh cúm trên gia cầm và cúm ở người diễn biến phức tạp trên thế giới, ngày 19/01/2017, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã phối hợp với Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan và các Tổ chức quốc tế (WHO, FAO, USCDC, USAID) tổ chức cuộc họp rà soát tình hình dịch bệnh cúm gia cầm và đánh giá nguy cơ dịch tại nước ta trong thời gian tới.

Trên cơ sở phân tích tình hình dịch bệnh cúm trên gia cầm và ở người trong giai đoạn 2003-2016, và đầu năm 2017 trên thế giới, trong nước, theo đó tình hình dịch cúm gia cầm có xu hướng gia tăng vào cuối năm và những tháng đầu năm, đặc biệt trong dịp tết nhu cầu sử dụng gia cầm và các sản phẩm của gia cầm gia tăng, sự giao lưu, thương mại gia tăng giữa các vùng, miền, quốc gia; trong khi đó mầm bệnh cúm gia cầm đang tồn tại trong môi trường. Các đại biểu tham dự thống nhất đánh giá nguy cơ ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H7N9) về từ vùng có dịch tại Trung Quốc và nguy cơ có thể xuất hiện ổ dịch mới trên gia cầm nhiễm cúm A(H5N1), cúm A(H5N6), từ đó có nguy cơ xảy ra các trường hợp mắc cúm gia cầm trên người ở nước ta nếu không áp dụng các biện pháp ngăn ngừa lây truyền vi rút từ gia cầm sang người.

Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của vi rút cúm gia cầm sang người trong dịp Tết nguyên đán Đinh Dậu và mùa lễ hội đầu năm 2017, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

1) Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

2) Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

3) Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

4) Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

2. Ghi nhận hàng loạt ca tử vong vì rượu độc ngày cận Tết

Theo báo Lao động, ngày 27/01/2017, chỉ trong ít ngày cận Tết, Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hàng loạt ca nhiễm độc do uống rượu chứa methanol. Ít nhất 5 người trong số đó đã tử vong.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Đã xác định được 'trách nhiệm' của từng loại vi khuẩn đường ruột

Theo tạp chí Cell Host & Microbe, các nhà khoa học Mỹ đã phát triển một phương pháp tính toán mới có thể được sử dụng để tìm ra trách nhiệm của từng loại vi sinh vật trong toàn bộ hệ vi khuẩn đường ruột. Phương pháp này cũng giúp hiểu được vai trò của các loại vi khuẩn khi xuất hiện tình trạng mất cân đối có liên quan với những chứng bệnh khác nhau. Phương pháp này được các nhà khoa học đặt tên là FishTaco.

Trước đó, nghiên cứu viên của Viện Công nghệ hoàng gia Stockholm (Thụy Điển) đã xác định được chính xác những loại vi khuẩn đường ruột nào giúp duy trì sự trao đổi chất. Nghiên cứu cho thấy rằng các loại vi khuẩn đường ruột giúp điều chỉnh nồng độ chất chống oxy hóa glutathione trong cơ thể. Chất chống oxy hóa này giúp cơ thể chống chọi với một loạt những rối loạn chuyển hóa.

2. Nhiều bang ở Mỹ bùng phát bệnh do vi rút Seoul

Theo Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), ngày 27/01/2017, CDC đang hỗ trợ các cán bộ y tế tại 12 bang trong việc điều tra một đợt bùng phát nhiễm vi rút Seoul sau khi phát hiện 8 người bị nhiễm ở bang Illinois và Wisconsin, trong đó có 02 trường hợp làm việc trong cơ sở nuôi chuột sinh sản tại nhà ở Wisconsin. Các trường hợp còn lại đã mua chuột từ các nhà cung cấp động vật ở Wisconsin và Illinois và đều dương tính với vi rút Seoul. Tất cả các bệnh nhân đã hồi phục. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy động vật gặm nhấm có khả năng bị nhiễm và đã phân bố ở các bang Alabama, Arkansas, Colorado, Illinois, Indiana, Louisiana, Michigan, Minnesota, South Carolina, Tennessee, Utah, và Wisconsin .

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,