Điểm tin y tế tuần 23

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Triển khai kết nối, liên thông dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm Y tế

Ngày 30/5/2016, Bộ Y tế ban hành Công văn số 3171/BYT-BH về việc triển khai kết nối, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm Y tế (BHYT).

Thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công văn số 8933/VPCP-KGVX ngày 29/10/2015, Công văn số 1710/VPCP-KGVX ngày 16/3/2016 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện tin học hóa trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT); để đồng bộ việc kết nối, liên thông dữ liệu giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với hệ thống dữ liệu tập trung của Bộ Y tế phục vụ công tác quản lý Nhà nước và hệ thống giám định thanh toán BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trước ngày 30/6/2016, Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo, triển khai thực hiện ngay một số việc sau:

Chuẩn hóa danh mục sử dụng tại đơn vị theo danh mục dùng chung của Bộ Y tế ban hành; Thực hiện chuyển đầu ra dữ liệu khám, chữa bệnh lên Cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế; Về cơ sở hạ tầng, đường truyền kết nối: Tiếp tục duy trì, sử dụng hạ tầng viễn thông sẵn có tại đơn vị trên cơ sở đáp ứng đúng, đầy đủ các chỉ đạo, hướng dẫn, yêu cầu của Bộ Y tế phục vụ công tác quản lý nhà nước về khám chữa bệnh. Khẩn trương gửi Kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT năm 2016 về Bộ Y tế.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, các đơn vị kịp thời phản ánh các khó khăn, vướng mắc để được hướng dẫn giải quyết.

TIN Y TẾ NỔI BẬT

1. Hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết” ngày 15/6

Nhằm nâng cao trách nhiệm, vai trò của cộng đồng, chính quyền các cấp, các ngành… không phải chỉ Việt Nam mà còn được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng quốc tế và các nước ASEAN. Để kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN cùng chung tay phòng chống sốt xất huyết (PCSXH) cũng như học tập, chia sẻ kinh nghiệm nhằm hướng tới một cộng đồng ASEAN không có sốt xuất huyết.

Hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết năm 2016 với chủ đề: “Cộng đồng chung tay đẩy lùi sốt xuất huyết, thành công bền vững”.

Diệt lăng quăng là cách đơn giản và hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika.

Không có lăng quăng, không có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika.

Chính quyền - Gia đình - Cộng đồng chung tay phòng chống bệnh Sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika.

Nhà nhà diệt muỗi, lăng quăng để phòng chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika.

Hãy lật úp các dụng cụ chứa nước chưa dùng đến, thay nước bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn để không để muỗi đẻ trứng phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika.

Thả cá vào dụng cụ chứa nước là biện pháp đơn giản, hiệu quả để diệt bọ gậy

Phòng chống dịch bệnh là trách nhiệm của chính quyền các cấp và toàn thể cộng đồng.

Không có lăng quăng, bọ gậy không có sốt xuất huyết.

2. Bị nhiễm HIV do truyền máu

Theo báo cáo của Tổ chức kiểm soát HIV/AIDS của Ấn Độ (NACO), có khoảng 2.234 người Ấn Độ bị lây nhiễm HIV do sai sót trong truyền máu trong 17 tháng qua. Hiện nay, tại Ấn Độ có hơn 2 triệu người bị nhiễm HIV/AIDS. Nước này đã có luật yêu cầu các bệnh viện trong cả nước sàng lọc những người hiến máu để sàng lọc loại bỏ máu nhiễm HIV, viêm gan B và C, sốt rét và một số bệnh khác.

Tuy nhiên chi phí của một lần sàng lọc này tương đối cao (1.200 rupee tương đương 18 USD) và Ấn Độ còn thiếu các cơ sở làm xét nghiệm sàng lọc.

3. Phòng bệnh não mô cầu và đường ruột do Coxsackie

Thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa ẩm là điều kiện rất thuận lợi cho các dịch bệnh phát triển đe dọa sức khỏe cộng đồng. Trước thực trạng các ca tử vong xảy ra do dịch viêm não mô cầu và dịch bệnh nhiễm vi rút đường ruột Coxsackie. Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi ngành y tế các địa phương đề nghị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh này, đồng thời tiếp tục đưa ra khuyến cáo phòng bệnh viêm não, viêm màng não do não mô cầu và bệnh do vi rút đường ruột Coxsackie.

Để chủ động phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, nơi làm việc; chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cầu cho trẻ. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

4. Ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi xử lý phản ánh của đường dây nóng

Thông qua đường dây nóng 1900-9095, các thông tin phản ánh của người dân đã đến Lãnh đạo Bộ Y tế, Sở Y tế, các bệnh viện, đơn vị nắm bắt và giải quyết được nhanh nhất. Theo tổng hợp của Văn phòng Bộ Y tế, đến nay đã có 1.358 trường hợp phản ánh đã được cải tiến quy trình trong việc cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh; 1.252 trường hợp đã cải thiện cơ sở vật chất. Để khắc phục những tồn tại và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của đường dây nóng, Văn phòng Bộ Y tế đã xây dựng phần mềm Quản lý thông tin phản ánh của người dân qua đường dây nóng. Hiện tại phần mềm này đã hoàn tất và được sử dụng thử nghiệm từ ngày 1/6/2016. Dự kiến chính thức đưa vào hoạt động chính thức từ tháng 7/2016.

Theo đó, khi nhận được ý kiến góp ý của người dân, các tổng đài viên sẽ phân loại và chuyển thông tin đến các đơn vị hữu quan để xử lý. Phần mềm sẽ giúp cơ quan quản lý cấp trên theo dõi liên tục, đôn đốc các đơn vị tuyến dưới trong việc thực hiện giải quyết những phản ảnh của người dân; việc hoàn thành giải quyết phản ánh, khiếu nại sẽ được thông báo đến người dân thông qua hệ thống tin nhắn SMS.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,