ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 32

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Bộ Y tế ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Ngày 29/7/2019, Bộ Y tế ban hành Chỉ thị số 07/CT-BYT về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Để tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị:

Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố: Tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch; Tổ chức 3 chiến dịch lớn diệt lăng quăng (bọ gậy) ngay từ tháng 7/2019 đến hết năm; Tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm vận động mọi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ngay tại hộ gia đình với khẩu hiệu “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”; Tổ chức tốt việc thu dung, phân loại và điều trị bệnh nhân; Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị và mạng lưới cộng tác viên về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch, hướng dẫn chẩn đoán điều trị sốt xuất huyết; Thường xuyên tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch;…

Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế căn cứ theo chức năng và nhiệm vụ được giao. Trong đó các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng có trách nhiệm: Chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát công tác phòng chống sốt xuất huyết, phòng chống véc tơ tại các tỉnh, thành phố trong khu vực được giao quản lý. Phân tích nguyên nhân gia tăng và dự báo tình hình dịch bệnh để tham mưu kịp thời cho Bộ Y tế. (Xem văn bản đính kèm)

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Bộ Y tế lập 8 đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết tại 20 tỉnh, thành phố

Ngày 29/7/2019, Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký quyết định số 3301/QĐ-BYT về việc thành lập 8 đoàn công tác kiểm tra giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại các tỉnh, thành phố trọng điểm: Khánh Hoà, Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Phú Yên, Đồng Nai, Tây Ninh.

Theo quyết định này, các đoàn công tác có nhiệm vụ kiểm tra công tác triển khai kế hoạch hoạt động phòng chống sốt xuất huyết; hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch, công tác chuyên môn về dự phòng, giám sát xử lý ổ dịch, tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng; vai trò của chính quyền các cấp, huy động các ban ngành đoàn thể tham gia phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương; thu dung điều trị; truyền thông và đáp ứng chống dịch. (Xem văn bản đính kèm)

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Tổ chức Y tế thế giới công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế

Theo thông tin từ WHO, tình hình dịch bệnh do vi rút Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Công gô diễn biến phức tạp. Từ tháng 4/2018 đến nay đã ghi nhận 2.522 trường hợp mắc, trong đó có 1.698 trường hợp tử vong. Đặc biệt, ngày 11/6/2019 ghi nhận 01 người Uganda bị nhiễm vi rút Ebola sau khi trở về từ Công gô. Trước diễn biến của dịch bệnh, ngày 17/7/2019, Ủy ban tình trạng khẩn cấp thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của WHO đã họp và kết luận tình hình dịch bệnh do vi rút Ebola tại Công gô đã đáp ứng đủ các điều kiện là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế (Public Health Emergency of International Concern). Để chủ động ứng phó với dịch bệnh do vi rút Ebola, WHO đã đưa ra các khuyến cáo với các nước, cụ thể như sau:

1) Đối với các quốc gia đang có dịch: tiếp tục triển khai quyết liệt công tác giám sát tại cửa khẩu, cộng đồng; nhanh chóng cách ly, xử lý các ổ dịch, triển khai sử dụng vắc xin phòng bệnh và phòng chống nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo tại bệnh viện để hạn chế sự lây lan và tử vong.

2) Đối với các quốc gia có cùng biên giới với các nước đang có dịch: tăng cường năng lực chuẩn bị, xác định các dòng người di cư để dự báo nguy cơ lây lan; thực hiện giám sát, phát hiện sớm các trường hợp xâm nhập, đẩy mạnh truyền thông nguy cơ tại các khu vực cửa khẩu.

3) Đối với các nước khác trên toàn thế giới: không nên đóng cửa biên giới hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và giao thương.

(Nguồn:https://reliefweb.int/report/democratic-republic-congo/statement-meeting-international-health-regulations-2005-emergency-1).

Ban Biên tập website Viện